Thứ năm, 15/07/2010 16:13 GMT+7

Xây dựng mô hình xưởng chế biến và bảo quản một số mặt hàng thủy sản ở Nghệ An

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình xưởng chế biến và bảo quản một số mặt hàng thủy sản ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An” của Công ty TNHH Phương Mai được Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện (từ năm 2006) đã trở thành đầu mối thu gom...

Mục tiêu của dự án là đầu tư thiết bị máy móc và công nghệ chế biến tiên tiến cũng như cơ sở hạ tầng vào sản xuất nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu tại địa phương trong mọi thời điểm và nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trong quá trình chế biến, bảo quản các mặt hàng thủy sản; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật viên ngành chế biến thủy sản. 5 sản phẩm được thực hiện triển khai trong dự án gồm cá cơm, cá bánh đường, cá nục, cá ngừ, cá mực. Thời gian thực hiện dự án từ 2006 – 2008.

Đến nay công ty xây dựng được mô hình tổng thể có khoa học và ứng dụng hiệu quả các công nghệ chế biến, bảo quản thủy sản bao gồm phân xưởng chế biến hàng đông, hàng khô, hệ thống sấy khô sản phẩm, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường, hệ thống thiết bị cấp đông và kho bảo quản…

Nhờ áp dụng các công nghệ chuyển giao về thiết bị máy móc, công nghệ chế biến thủy sản (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - Bộ NN&PTNT chuyển giao), Công ty đã mở rộng quy mô đầu tư thiết bị, công nghệ vào phục vụ sản xuất, xây dựng được mô hình xưởng chế biến hàng khô và hàng đông lạnh đạt công suất trên 500 tấn thành phẩm hàng khô/năm vượt so với dự án đề ra là 320 – 500 tấn thành phẩm/năm… Doanh thu của công ty nhờ đó đã tăng từ 3,1 tỷ đồng (năm 2006, trước dự án) lên 19,5 tỷ đồng (năm 2009, sau dự án). Hiện nay, sản phẩm của dự án đã có mặt tại thị trường Lào, Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc (giá trị xuất khẩu năm 2009 đạt 11 tỷ đồng).

Dự dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty và ngư dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giải quyết vấn đề nguyên liệu sau khi đánh bắt gặp thời tiết không thuận lợi, tạo việc làm cho phần lớn thành phần lao động dôi dư, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận.

Đến nay, trên địa bàn khu vực lân cận đã có 3 – 4 cơ sở đang áp dụng mô hình sản xuất của công ty. Điều này tạo được sự liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị sản xuất với nhau, giúp mô hình này ngày càng được nhân rộng.

Lượt xem: 1521

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)