Thứ sáu, 18/04/2025 10:52 GMT+7

Đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến chỉ số phát triển con người

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, con người ngày càng được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược và chính sách phát triển. Vậy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) có vai trò gì trong việc nâng cao chất lượng con người? Làm sao để định hướng nghiên cứu KH,CN&ĐMST nhằm phát huy hiệu quả nhân tố con người?
Đó là những vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội thảo khoa học "Đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến chỉ số phát triển con người (HDI)", do Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cùng Ban chủ nhiệm Chương trình KX.03/21-25 và KX.05/21-25 phối hợp tổ chức sáng 17/4/2025 tại Hà Nội.
 
Toàn cảnh Hội thảo khoa học.
 
KH,CN&ĐMST - Động lực then chốt phát triển bền vững
 
Chỉ số phát triển con người (HDI) được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố từ năm 1990 phản ánh ba khía cạnh cơ bản của phát triển: Tuổi thọ, trình độ học vấn và thu nhập bình quân đầu người. Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá sự tiến bộ về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục.
 
Hội thảo nhằm cụ thể hóa mục tiêu KH,CN&ĐMST phải góp phần quan trọng xây dựng và phát triển giá trị văn hóa, xã hội và con người Việt Nam, hướng đến duy trì chỉ số HDI trên 0,7 đã nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số (CĐS).
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ vai trò của KH,CN&ĐMST trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững và cải thiện HDI, từ đó đưa ra các đề xuất, định hướng nghiên cứu cụ thể, thiết thực. Đồng thời, thảo luận làm rõ những vấn đề lý luận để thống nhất nhận thức về những đóng góp quan trọng của KH,CN&ĐMST trong việc xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam.
 
Ba nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo gồm: Đóng góp của KH,CN&ĐMST vào chỉ số HDI duy trì trên 0,7; định hướng nghiên cứu và giải pháp tổ chức hoạt động khoa học xã hội và nhân văn đến năm 2030 gắn với xây dựng và phát triển giá trị văn hóa, xã hội và con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người duy trì trên 0,7; kinh nghiệm quốc tế về phát huy vai trò của KH,CN&ĐMST trong nâng cao HDI.
 
Theo GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-25, KH,CN&ĐMST đóng vai trò trung tâm trong việc cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy phát triển bền vững, giúp giải quyết những vấn đề thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và môi trường.
 
Các tiến bộ về y học (như công nghệ gene, y học chính xác...) không chỉ kéo dài tuổi thọ mà còn nâng cao chất lượng sống. Trong khi đó, công nghệ thông tin và truyền thông đã mở ra cơ hội học tập rộng lớn, cải thiện khả năng tiếp cận tri thức.
 
Bên cạnh đó, KH&CN cũng góp phần thúc đẩy năng suất lao động, phát triển công nghiệp và gia tăng thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật.
 
Cùng với KH&CN, ĐMST không chỉ là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia, mà còn là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. ĐMST tạo ra các giải pháp mới cho những thách thức hiện tại, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Các doanh nghiệp ĐMST có vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng suất lao động và từ đó tăng trưởng thu nhập cho xã hội.
 
Nêu quan điểm về vai trò của KH,CN&ĐMST đối với phát triển con người trong kỷ nguyên mới, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Chủ nhiệm Chương trình KX.03/21-25 khẳng định, con người là giá trị cốt lõi trung tâm, xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển đất nước. KH,CN,ĐMST và CĐS vì con người và tác động mạnh mẽ đến kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
 
Phát triển con người và HDI Việt Nam trong bối cảnh hiên nay
 
Theo GS.TS. Phạm Văn Đức, trong các chỉ số kinh tế truyền thống như GDP có thể phản ánh một phần sự phát triển, HDI mang đến cái nhìn toàn diện hơn, bao gồm cả yếu tố chất lượng sống và cơ hội phát triển của người dân. Vì vậy, nâng cao HDI không chỉ là một mục tiêu kinh tế, mà còn là một mục tiêu xã hội, góp phần hướng đến một xã hội phát triển bền vững. Để cải thiện HDI, KH,CN&ĐMST có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo.
 
Để phát huy vai trò của KH,CN&ĐMST trong kỷ nguyên mới, GS.TS. Võ Khánh Vinh kiến nghị, cần hình thành, xây dựng tư duy mới về con người, phát triển con người theo hướng tiếp cận vượt trội, đột phá, tiên phong. Cần có cách tiếp cận đa ngành, đa phương diện, liên ngành, tích hợp để phát triển tổng thể, toàn diện con người Việt Nam. Phát triển toàn diện, bao trùm con người, quyền con người, nâng cao thể lực, trí tuệ, năng lực, kỹ năng con người Việt Nam để phát huy vai trò con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể, nguồn lực và động lực trong phát triển đất nước. Xây dựng một chương trình nghiên cứu mới về con người và phát triển con người Việt Nam trong Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước…
 
PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, HDI là một trong những biểu hiện cụ thể của việc định lượng sự phát triển con người ở góc độ cụ thể. HDI là thước đo định lượng về phát triển con người rất quan trọng hiện nay, đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên thế giới. KH,CN và cách mạng khoa học công nghệ (CMKHCN) đang tác động đến điều kiện tồn tại và phát triển của con người thông qua công nghệ và sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, KH,CN và CMKHCN đến các quan hệ xã hội, thể lực, trí lực, tâm lực, kỹ lực, an ninh của con người.
 
Để KH,CN và CMKHCN góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển con người Việt Nam, Theo TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới nêu ý kiến, cần chú trọng cả việc tăng và duy trì HDI trên 0,7 cả việc nâng cao chất lượng phát triển con người, cải cách thể chế KH&CN và tháo gỡ các rào cản cho KH&CN phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực KH&CN…
 
Hội thảo đã ghi nhận 11 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến sâu sắc về vai trò và đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với phát triển chỉ số HDI và đã đưa ra đề xuất, kiến nghị:
 
(1) Nghiên cứu phát triển chỉ số về phát triển con người chỉ là một phần của phát triển con người; (2) Xây dựng một chương trình nghiên cứu khoa học riêng về con người, trong đó làm thế nào để nâng cao chỉ số phát triển con người Việt Nam, trong đó có chỉ số HDI; (3) Cần sớm lựa chọn một cơ quan hoặc một tổ chức khoa học thực hiện chức năng nghiên cứu chuyên về con người và theo dõi bộ chỉ số chỉ số phát triển con người để nâng cao chỉ số phát triển người của Việt Nam; (4) Đề nghị Bộ KH&CN thống nhất đưa một trong các chỉ tiêu nghiên cứu "có nội dung nghiên cứu tác động nâng cao chỉ số phát triển người" trong các đề tài thuộc chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia; (5) tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm liên ngành, liên chương trình nhằm cập nhật thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả nghiên cứu.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 311

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)