Thứ ba, 16/03/2010 13:17 GMT+7

Hội nghị các Điều phối viên quốc gia lần thứ 11 của Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA)

Ðoàn đại biểu Việt Nam dẫn đầu là TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (NLNT), đã tham dự Hội nghị Điều phối viên quốc gia lần thứ 11 của Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA) tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Trong 2 ngày 11 -12/3/2010, Hội nghị Điều phối viên quốc gia lần thứ 11 của Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á đã được tổ chức tại Tokyo với sự tham gia của các đại biểu đến từ 10 nước thành viên của Diễn đàn Hợp tác Hạt nhân châu Á FNCA (gồm Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam). Đặc biệt, tham dự Hội nghị lần này còn có đại diện của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) và Văn phòng hợp tác Vùng (RCARO). Hai nước Kazacstan và Mông cổ cũng cử đại diện tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên. Ngoài ra hầu hết các Điều phối viên Nhật Bản của từng dự án FNCA cũng tham dự và trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại biểu của các nước thành viên FNCA đã trao đổi quan điểm và chính sách hợp tác trong khu vực về phát triển và ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân vì mục đích hoà bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án FNCA trong năm 2009 và thảo luận về kế hoạch hoạt động của FNCA trong năm 2010 nhằm nâng cao vai trò của năng lượng nguyên tử trong phát triển bền vững ở châu Á.

Hội nghị đã nhất trí rằng, trong những năm qua, trong khuôn khổ hợp tác của FNCA, các nước thành viên đã có cơ hội trao đổi thông tin và kinh nghiệm khoa học và công nghê trong lĩnh vực úng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên FNCA nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế- xã hội của ngành NLNT. Những thách thức đó là: đẩy mạnh hợp tác với các nhà sử dụng công nghệ tiềm năng (potential end-users) để chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của từng quốc gia trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế, nông nghiệp và công nghiệp. Để đạt được mục đích này, Hội nghị đã nhất trí tổ chức một diễn đàn thảo luận vấn đề chuyển giao công nghệ nhằm thương mại hóa các sản phẩm và kỹ thuật hạt nhân. Đồng thời, Hội nghị cũng nhất trí sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề trong năm 2010 để thảo luận về vấn đề đẩy mạnh sự hợp tác trong việc cung cấp ổn định các đồng vị phóng xạ dùng trong y tế, gắn liền với khai thác sử dụng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, xét trong bối cảnh hầu hết các lò nghiên cứu ở các quốc gia thành viên đều đã có thời gian vận hành khai thác tương đối dài.

Ngoài các dự án FNCA liên quan đến lĩnh vực ứng dụng phi năng lượng, Hội nghị còn dành nhiều thời gian để thảo luận việc giúp đỡ, hỗ trợ các nước đang có kế hoạch phát triển điện hạt nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các Hội nghị chuyên đề (Study Panel) và thông qua dự án phát triển nguồn nhân lực Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã khởi xướng một chương trình mới về phát triển nguồn nhân lực mang tên “Global Nuclear HRD Initiative” (“Sáng kiến Phát triển Nguồn nhân lực Hạt nhân Toàn cầu”) với kỳ vọng rằng chương trình này sẽ đóng góp hiệu quả vào chương trình phát triển Điện hạt nhân của các nước thành viên FNCA. Bộ MEXT cũng đề xuất một dự án FNCA mới để hỗ trợ về mặt pháp lý và nhân lực để đảm bảo tiêu chí 3S (Safety, Security and Safeguards) – những vấn đề chủ yếu đối với các nước đang phát triển điện hạt nhân. Ngoài ra, Malaysia cũng đề xuất tổ chức một Diễn đàn về Thương mại (Business Forum) để thúc đẩy chương trình phát triển điện hạt nhân.

Một thách thức khác mà thế giới đang phải đối mặt và cũng được đưa ra thảo luận trong Hội nghị lần này là vấn đề đối mặt với sự biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về việc các nước thành viên FNCA sau năm 2012 nên đưa phát triển điện hạt nhân vào trong một cơ chế đáng tin cậy – Cơ chế Phát triển Sạch (Clean Development Mecchanism –CDM) – theo Công ước của Liên Hiệp quốc về biến đổi Khí hậu (UNFCCC) - như một giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính CO2.

Hội nghị cũng nhất trí dành cho Trung quốc vinh dự đăng cai hội nghị cấp bộ trưởng FNCA lần thứ 11 vào khoảng tháng 11-12 năm 2010; quyết định rằng Hàn quốc sẽ là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị chuyên đề (Study Panel) lần thứ 2 của Giai đoạn 3 về Cơ sở hạ tầng cho phát triển Điện hạt nhân vào đầu tháng 7/2010 tại Seoul; và Nhật Bản sẽ tiếp tục đăng cai Hội nghị điều phối viên quốc gia FNCA lần thứ 12 vào khoảng tháng 2-3/2011 tại tỉnh Fukui, nơi tập trung nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất ở Nhật Bản.

Tại Hội nghị này, đoàn Việt Nam trong các ý kiến phát biểu và trao đổi của mình đều nhấn mạnh quan điểm và chính sách kiên định của chính phủ Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đánh giá cao hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế, và bày tỏ quyết tâm tiếp tục ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động của Diễn đàn FNCA. Đoàn Việt Nam cũng đưa ra đề nghị đăng cai tổ chức Hội nghị chuyên đề (Study Panel) lần thứ 4 của giai đoạn 3 về Cơ sở hạ tầng cho phát triển Điện hạt nhân vào năm 2012.

Lượt xem: 730

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)