Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam Nguyễn Đức Cương, Giám đốc kinh doanh khu vực Châu á của UMS Phillip Poole và đại diện các cơ quan, ban ngành có liên quan.
Theo ông Nguyễn Đức Cương, Mắt thần 01 - là một tổ hợp máy bay không người lái tầm trung dùng để quan sát ban ngày và ban đêm với tuổi thọ trung bình là khoảng 10 năm hoặc 10.000 giờ bay.
Hiện nay, tại Việt Nam, UAV có thể sử dụng vào các mục đích: Tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện các đám cháy; bảo vệ các cánh rừng cao su và cà phê; chụp ảnh trên không, lập bản đồ, khảo sát giám sát đường cao tốc; giám sát bảo vệ biển đảo, phục vụ các nhiệm vụ cho hải quân Việt Nam,… UAV có ưu điểm không phụ thuộc vào tâm sinh lý của phi công; chi phí thấp hơn máy bay có người lái hàng trăm lần; độ phân giải cao hơn; giá thành rẻ cho mỗi bức ảnh được chụp; thực hiện trong những điều kiện phi công không thể làm được,… Cũng theo ông Cương, tại Việt Nam, việc ứng dụng UAV là rất cần thiết trong việc bảo vệ rừng, biển, hải đảo, an ninh - quốc phòng và tìm kiếm cứu nạn, là giải pháp hiệu quả nhất trong việc quan sát từ xa với chi phí thấp,…
Về chương trình phát triển và chuyển giao công nghệ UAV tại Việt Nam, ông Phillip Poole, cho biết, UMS sẵn sàng chuyển giao thiết kế, kỹ thuật, đào tạo phi công cũng như tất cả các vật liệu cần thiết, đặc biệt cả chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ trên nhằm phục vụ cho hoạt động chế tạo UAV tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao tinh thần hợp tác, giúp đỡ của Thụy Điển đối với Việt Nam trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho rằng, cần tiếp tục triển khai thêm các buổi hội thảo tương tự cùng với các ban ngành khác nhau nhằm tiến tới xây dựng một hành lang pháp lý cho những hoạt động tiếp theo.