Ngày 17/1/2025, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy - Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2024 và định hướng công tác năm 2025 của Tiểu ban.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.
Tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, năm 2024 là một năm đánh dấu những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học tự nhiên với sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ KH&CN, các tiểu ban chuyên môn và UNESCO. Đặc biệt, đã đạt được những tiến bộ đáng kể, từ việc thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sinh quyển, địa chất, đến việc triển khai hiệu quả các hoạt động tại các Trung tâm khoa học quốc tế dạng 2 được UNESCO bảo trợ; tiếp tục thực hiện Dự án đánh giá mức độ sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo (RAM) đã khẳng định vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong trong các lĩnh vực này.
Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được ban hành, năm 2025 sẽ là năm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mục tiêu chiến lược quan trọng, từ việc thúc đẩy các chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, cho đến việc áp dụng khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao… đặc biệt, tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Thứ trưởng cũng gợi mở hướng hoạt động cho hai Trung tâm khoa học quốc tế dạng 2 trong việc mạnh dạn đảm nhận một số nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò chủ động, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc Cuộc họp.
Báo cáo tổng thể về hoạt động của Tiểu ban, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, năm 2024, hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác UNESCO nói chung và của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên đã đạt được những kết quả nổi bật nhờ nỗ lực chung từ các cơ quan quản lý, các Tiểu ban chuyên môn, các Trung tâm… Cụ thể, Bộ KH&CN trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương ký Thỏa thuận giai đoạn 2026-2034 giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO về việc tiếp tục triển khai hoạt động của hai Trung tâm khoa học quốc tế dạng 2 do UNESCO công nhận và bảo trợ; Phối hợp với Bộ Ngoại giao đón Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên đến Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng, tham gia Lễ kỷ niệm 25 năm Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam kiện toàn Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam và Chương trình thủy văn quốc tế (IHP); Hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (03 nhiệm vụ cho các Khu dự trữ sinh quyển, 02 nhiệm vụ cho Chương trình Công viên địa chất toàn cầu)…
Bên cạnh đó, Tiểu ban cũng cử đại diện Bộ KH&CN cùng đại diện của hai Trung tâm khoa học quốc tế dạng 2 về Toán học và Vật lý tham gia Hội nghị các trung tâm khoa học dạng 2 trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của UNESCO; cử Giám đốc Trung tâm Toán học dạng 2 tham gia Hội đồng tư vấn chương trình khoa học cơ bản quốc tế với tư cách thành viên; Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao đi Pháp tham dự Hội đồng Chấp hành UNESCO; Dự án thí điểm thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo… Đặc biệt, các Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2 đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp luận cứ khoa học trong các công bố quốc tế, khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam tại UNESCO.
Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà, trong năm 2025, Tiểu ban sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và hải dương học theo hình thức lồng ghép vào các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025; tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể thông qua các Tiểu ban chuyên môn của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên; thí điểm một số nội dung của Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO tại Việt Nam thuộc lĩnh vực chuyên sâu như sở hữu trí tuệ, dữ liệu mở, truy cập mở, công nghệ mở...; tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học mở thông qua hoạt động của 02 Trung tâm; lồng ghép nội dung về Khoa học Mở trong Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; phối hợp chặt chẽ với UNESCO để đảm bảo triển khai hiệu quả các vấn đề mà Việt Nam chủ trì, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, sẵn sàng đưa đạo đức trong AI vào thực tiễn; Hỗ trợ các tiểu ban chuyên môn Việt Nam tăng cường hợp tác với các chương trình tương ứng của UNESCO trong giai đoạn 2021-2025; Tăng cường hợp tác khu vực và thế giới trong mạng lưới các trung tâm dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ…
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên Nguyễn Thị Thanh Hà báo cáo tại Cuộc họp.
Nỗ lực tiếp tục là quốc gia dẫn đầu trong chương trình hành động về phát triển bền vững
Tại Cuộc họp, đại diện Tiểu ban chuyên môn và hai Trung tâm dạng 2 đã báo cáo kết quả hoạt động trong năm 2024, chia sẻ một số khó khăn vướng mắc, đóng góp ý kiến về định hướng để hoạt động của Tiểu ban ngày một phát triển, đóng góp chủ động, tích cực hơn đối với hợp tác của Việt Nam nói chung trong khuôn khổ UNESCO.
Phát biểu tại Cuộc họp, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia và ủng hộ nhiều sáng kiến quan trọng của UNESCO. Theo ông Jonathan Baker, năm 2025 là thập kỷ quốc tế về phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu trong các chương trình hành động này, UNESCO mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ KH&CN, tiểu ban Khoa học Tự nhiên và các tiểu ban khác để có thể đẩy mạnh, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam, để Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu trong chương trình hành động về lĩnh vực này.
Ông Jonathan Baker bày tỏ cam kết sẽ đóng góp những ý tưởng vào quá trình sửa đổi Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; phối hợp với Tiểu ban để xây dựng báo cáo về khoa học mở; tăng cường hợp tác với Bộ KH&CN để đẩy mạnh công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực KH&CN…
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker phát biểu tại Cuộc họp.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao đánh giá cao những thành tích nổi bật của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên trong năm 2024; đồng thời kiến nghị, (i) phía UNESCO hỗ trợ đóng góp ý kiến về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; (ii) phía Tiểu ban Khoa học Tự nhiên cần đề xuất các sáng kiến để hưởng ứng các dịp kỷ niệm quan trọng và đăng cai các hội nghị quốc tế mang tính chất trọng yếu; hỗ trợ các địa phương đạt được danh hiệu phát triển bền vững; kiện toàn các tiểu ban chuyên môn; cần có kế hoạch đào tạo, chiến lược bài bản đưa chuyên gia Việt Nam tham dự vào các diễn đàn của UNESCO và ứng cử vào các cơ quan khoa học tự nhiên của UNESCO… Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại UNESCO trong bối cảnh hiện nay.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO phát biểu tại Cuộc họp.