Thứ sáu, 17/01/2025 16:58 GMT+7

Đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu KH&CN bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã

Thời gian qua, thông qua các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.
Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Theo báo cáo quốc gia lần thứ sáu đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định; trong đó, nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam. Việt Nam cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học giúp mạng lưới Khu Bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, theo thống kê số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả. 
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Ninh Bình.
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học như Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Thủy sản 2004 và sửa đổi 2017, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý loài động vật hoang dã; Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam…
Theo đó, các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chương trình giám sát quần thể loài hoang dã ngoài tự nhiên và xây dựng hành lang đa dạng sinh học tại một số tỉnh cũng được triển khai nhằm bảo đảm, góp phần duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu.
Đặc biệt, thời gian qua, Bộ KH&CN đã đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã; đồng thời, ban hành, triển khai nhiều chương trình KH&CN cấp quốc gia nhằm bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã như: Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được thủ Tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg; Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà; Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại Khu dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau; Nghiên cứu xây dựng cơ chế, mô hình hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn bền vững đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ; Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng tại khu Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm- Hội An; Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang; Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang; Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan - đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang; Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai…
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận trong Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030”.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục bám sát vào nội dung của các Nghị quyết, khung Chương trình do Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt như: tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề lớn như bảo tồn và phát triển nguồn gen; bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã…; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế của các địa phương có các khu bảo tồn, vườn quốc gia và gắn với doanh nghiệp; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong công tác này, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ, ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có thế mạnh về KH&CN bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã; tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học; gia tăng nguồn lực nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước. 
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 141

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)