Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Ngọc Thạch, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam để tích cực chủ động tham gia vào các tổ chức quốc tế trong một số lĩnh vực ưu tiên” mã số KX06.10/11-15.
Nguồn nhân lực có trình độ, có kỹ năng là nguồn vốn vô cùng quý giá không chỉ đối với các nước đang phát triển và kém phát triển mà cũng là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước đang phát triển để có được nguồn vốn quý giá này. Vậy làm thế nào để nhân lực KH&CN Việt Nam có thể tham gia vào các tổ chức quốc tế? Việt Nam là nước đang phát triển, đi sau các nước phát triển khác, do vậy sẽ học hỏi và rút ra được nhiều bài học và con đường cho sự phát triển KH&CN của mình. Sự tham gia vào các tổ chức quốc tế không chỉ để cho vai trò của Việt Nam được tăng lên mà còn tạo sự phát triển cho quốc gia.
Theo TS. Trịnh Ngọc Thạch, chúng ta cần có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực KH&CN bền vững, trong đó chính sách phát triển nguồn nhân lực KH&CN tham gia vào các tổ chức quốc tế là một “ván cờ” khôn ngoan để có thể tận dụng nguồn lực, khai thác trí tuệ nhân loại, tăng cường tiềm lực KH&CN trong nước.
Từ kinh nghiệm phát triển nhân lực KH&CN của các nước và khu vực trên thế giới, để hỗ trợ và phát triển nhân lực KH&CN Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế trong một số lĩnh vực ưu tiên, Đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm khắc phục những hạn chế của nguồn nhân lực KH&CN Việt Nam. Cụ thể là, cần đổi mới tư duy, nhận thức trong quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN; xây dựng một cơ quan quản lý chuyên môn về phát triển nhân lực KH&CN phục vụ hội nhập quốc tế thông qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế; phát triển nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế về KH&CN; xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút trí thức Việt kiều và trí thức nước ngoài tham gia vào các hoạt động KH&CN. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN.
Với những kết quả đạt được, mới đây, Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Quốc gia đánh giá đạt loại Xuất sắc.