Thứ tư, 18/01/2012 14:10 GMT+7

Giáo sư Judith Ladinsky còn sống mãi trong tiềm thức của người dân Việt Nam

Ngày 17/01/2012, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra Lễ tưởng niệm Giáo sư, Tiến sĩ Judith Ladinsky, một người bạn đã có hơn 30 gắn bó và giúp đỡ rất nhiều cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam phải đối mặt với muôn vàn...


Lãnh đạo Viện họp với chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về xây dựng kế hoạch hoạt động chiến lược cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong thời gian tới

Năm 2012, nhìn chung Viện NLNT Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng, không ngừng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ cho các đơn vị của Viện. Một mặt, công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh trong toàn Viện, có kết quả đáng khích lệ trong công bố quốc tế, hoàn thành tốt các đề tài nhiệm vụ nghiên cứu, tích cực tham gia vào các nhiệm vụ liên quan đến chương trình và dự án điện hạt nhân, cũng như đẩy mạnh ứng dụng NLNT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, Viện đã tích cực triển khai dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân (Trung tâm), phối hợp cùng đối tác ROSATOM (Liên bang Nga) xác định thành phần cấu trúc Trung tâm và địa điểm dự định đặt lò nghiên cứu mới, sơ bộ hoàn thành nhiệm vụ kỹ thuật cho việc triển khai Dự án đầu tư (FS) của Trung tâm. Hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động máy gia tốc chùm tia điện tử tại Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA), Tp. Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng hạ tầng để tiếp nhận máy gia tốc 13 MeV của Hàn Quốc tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Viện đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ trong ngành, cũng như cán bộ các đơn vị khác liên quan. Công tác gửi cán bộ có năng lực, cán bộ trẻ đi đào tạo tại nước ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện bằng nhiều kênh khác nhau. Viện cũng đã phối hợp với các đơn vị năng lượng nguyên tử trong Bộ KH&CN thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2012. Đặc biệt, Viện đã tích cực phối hợp với các đối tác cung cấp công nghệ lò phản ứng của nước ngoài, tổ chức các hội thảo tìm hiểu, đánh giá về thiết kế lò phản ứng dự định xây dựng tại Việt Nam, cùng xây dựng tiêu chí lựa chọn công nghệ, bắt đầu đẩy mạnh một vài hướng nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ chương trình điện hạt nhân của đất nước.

Mặc dù kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, tuy nhiên nếu đánh giá một cách khách quan, năng lực nghiên cứu triển khai, tư vấn của Viện vẫn còn rất thấp so với yêu cầu thực tế hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam đang triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân.

Thứ nhất, nhiệm vụ nghiên cứu chỉ thực hiện tốt ở một số hướng nghiên cứu có truyền thống (ví dụ vật lý hạt nhân), đối với một số đơn vị nghiên cứu trong Viện, đề tài nghiên cứu có ý nghĩa, kết quả nghiên cứu tốt, công bố quốc tế … chưa đáng kể.

Thứ hai, năng lực nghiên cứu, tư vấn cho điện hạt nhân hiện nay còn kém. Viện và các đơn vị nghiên cứu trực thuộc chưa đủ năng lực tham gia thực sự vào các nhiệm vụ của chương trình điện hạt nhân. Các nhiệm vụ như: Nghiên cứu đánh giá công nghệ điện hạt nhân; Đánh giá phân tích an toàn; Đánh giá tác động phóng xạ đến môi trường … trong nghiên cứu khả thi (FS) hiện nay đều do Tư vấn nước ngoài thực hiện, trong khi sự tham gia của các đơn vị thuộc Viện NLNT Việt Nam vào các nhiệm vụ này hầu như không đáng kể. Ngoài ra, có thể thấy rằng, chưa có sự phối hợp cần thiết giữa các đơn vị NLNT của Bộ (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục NLNT, Viện NLNT Việt Nam) để tham gia tích cực vào dự án điện hạt nhân. Ví dụ: Trong nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp quy hạt nhân, Viện NLNT Việt Nam chỉ nhận được dự thảo để góp ý kiến, mà không có sự phối hợp thực hiện để xây dựng văn bản, đặc biệt văn bản liên quan đến đánh giá an toàn, công nghệ điện hạt nhân, yêu cầu thiết kế. Để xây dựng được năng lực trong đánh giá báo cáo phân tích an toàn, Cục ATBXHN và Viện NLNT Việt Nam cần phối hợp, xây dựng nhóm làm việc, cùng tham gia vào triển khai công việc với các Tư vấn nước ngoài, với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong FS. Mặc dầu hiện nay dự án FS đã đến giai đoạn kết thúc, các đơn vị NLNT trong Bộ vẫn chưa tham gia đáng kể vào giám sát, phối hợp, triển khai công việc của dự án điện hạt nhân cùng EVN. Nếu như vậy, liệu chúng ta sẽ có đủ khả năng để thực hiện tốt, hiệu quả được nhiệm vụ thẩm định về địa điểm, về đánh giá lựa chọn công nghệ, về phân tích an toàn sau này hay không?

Thứ ba, năng lực triển khai ứng dụng vẫn hạn chế, các nhiệm vụ triển khai chưa thực sự tốt, hiệu quả kinh tế mang lại chưa đáng kể. Các ứng dụng trong y tế mất dần tính hiệu quả do cạnh tranh của thị trường, các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp rất ít, chưa mang lại được hiệu quả thực sự cho nền nông nghiệp của nước nhà.

Thứ tư, đào tạo nhân lực cho Viện vẫn chậm và kém hiệu quả, đặc biệt nguồn cán bộ trẻ có khả năng, có ngoại ngữ rất ít nên việc triển khai đào tạo sau đại học, đào tạo ở nước ngoài rất bị hạn chế.

Việc đánh giá khách quan, nhìn thẳng vào những yếu kém là cần thiết. Tuy nhiên, những khó khăn và hạn chế nêu trên có những lý do của nó. Thứ nhất, nhiệm vụ xây dựng tiềm lực hỗ trợ cho điện hạt nhân là lĩnh vực khá mới, cần có thời gian để thay đổi và xây dựng năng lực. Thứ hai, nguồn nhân lực thiếu và yếu là kết quả của nhiều năm Viện chưa chú trọng vào vấn đề đào tạo nhân lực. Một lý do khác của sự thiếu hụt nhân lực khoa học là do sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa (không gửi đi đào tạo nước ngoài sau 1991). Có thể nói, vấn đề nhân lực là thách thức lớn nhất hiện nay của Viện. Nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi của điện hạt nhân, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu mạnh chính là xây dựng tiềm lực khoa học của Viện nhằm hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân. Thứ ba, chính sách lương chưa hợp lý cho cán bộ khoa học, nguồn thu nhập cho cán bộ nghiên cứu không đảm bảo dẫn đến mất dần sự hấp dẫn của nghề nghiệp, mất dần sự tâm huyết của cán bộ nghiên cứu. Thứ tư, quán tính lớn của sức ỳ, của tư tưởng dựa vào Nhà nước, một vài đơn vị, một số cán bộ nghiên cứu chưa thật sự muốn trở nên năng động, hay muốn đóng góp thực sự cho sự nghiệp khoa học công nghệ của ngành.

Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam đang được triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ. Phát triển điện hạt nhân là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế của đất nước. Công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi nguồn cung cấp điện năng ổn định, kinh tế, điện hạt nhân có thể đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, điện hạt nhân có đặc thù rất đặc biệt, đó là vấn đề đảm bảo an toàn. Từ một khía cạnh, phát triển điện hạt nhân đòi hỏi sự phát triển KH&CN để hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo an toàn, đảm bảo tính kinh tế. Trên khía cạnh khác, chương trình điện hạt nhân sẽ thúc đẩy khoa học kỹ thuật, các ngành công nghiệp của đất nước. Xây dựng tiềm lực nghiên cứu triển khai hỗ trợ phát triển điện hạt nhân, chính vì vậy, cũng là nhiệm vụ quan trọng của Viện NLNT Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trong bối cảnh như vậy, Viện NLNT Việt Nam nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ của mình. Để có thể xây dựng Viện lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thực tế, hướng đến hỗ trợ tích cực cho chương trình điện hạt nhân của đất nước, một số giải pháp cụ thể trước mắt đã được xác định, đó là:

1. Chú trọng xây dựng tiềm lực khoa học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu; trước mắt, Viện NLNT Việt Nam cần xác định rõ các hướng nghiên cứu cần thiết hiện nay, trong đó ưu tiên hỗ trợ chương trình điện hạt nhân;

2. Xây dựng một số nhóm nghiên cứu ưu tiên cần thiết trước mắt trên cơ sở tiềm năng hiện có (về nhân lực khoa học, trình độ, trang thiết bị), dần dần bổ sung các hướng khác trong tương lai khi có khả năng và điều kiện;

3. Định hướng đề tài nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ vào các hướng nghiên cứu được xác định là ưu tiên, nâng cao chất lượng các đề tài, nhiệm vụ khoa học;

4. Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, chú trọng ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp;

5. Sử dụng tối đa nguồn nhân lực khoa học hiện có, sử dụng đội ngũ cán bộ đã về hưu vào các công việc hiện nay (trong ngành điện hạt nhân hiện nay, các nước đều áp dụng chính sách này do thiếu cán bộ, ngay cả Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đang sử dụng cán bộ cao tuổi của các nước);

6. Chủ động phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học trong nghiên cứu triển khai; tích cực hợp tác với EVN, Bộ Công thương, tham gia vào các nhiệm vụ liên quan đến dự án điện hạt nhân;

7. Tích cực đào tạo nguồn nhân lực, thế hệ trước tham gia đào tạo, truyền kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau, kết hợp nghiên cứu với đào tạo, ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ;

8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, việc xây dựng phát triển Viện không thể nằm ngoài một sự chỉ đạo thống nhất và quyết liệt của Chính phủ đối với chương trình điện hạt nhân. Có thể nhìn thấy 3 khía cạnh nổi bật hiện nay cần tập trung giải quyết trong nhiệm vụ tổng thể, là vấn đề thu hút nhân lực, vấn đề đào tạo nhân lực và vấn đề sử dụng nhân lực. Việc thu hút nhân lực bao gồm thu hút chuyên gia, kỹ sư giỏi mới tốt nghiệp vào các Viện nghiên cứu, thu hút sinh viên giỏi vào khoa công nghệ hạt nhân. Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cần đẩy mạnh phối hợp với Bộ Nội vụ trong nhiệm vụ này. Đào tạo nhân lực ngành hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng của Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm, suy nghĩ khác nhau giữa 2 Bộ trong chiến lược, phương pháp, cách thực hiện đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân, chưa có sự phối hợp giữa 2 Bộ cùng hướng tới xây dựng một chiến lược đào tạo nhân lực dài hạn. Sử dụng nhân lực cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN và Bộ Công thương, EVN, cần thúc đẩy sự phối hợp, giám sát, cùng tham gia giải quyết những nhiệm vụ đặt ra trước mắt của dự án điện hạt nhân.

Thực tế phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới (Liên Xô, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu v.v.) cho thấy ngành hạt nhân bao giờ cũng thu hút những nhà khoa học xuất sắc nhất của đất nước. Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam có thành công hay không cũng sẽ phụ thuộc vào, liệu 10-20 năm sau chúng ta có được những nhà khoa học xuất sắc nhất trong ngành hạt nhân hay không. Hy vọng trong tương lai, trên bầu trời KH&CN Việt Nam sẽ xuất hiện những ngôi sao sáng của ngành hạt nhân.

(Trích Tham luận tại Hội nghị Tổng kết năm 2012 của Bộ KH&CN, ngày 19/1/2013)

Lượt xem: 1262

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)