Thứ sáu, 17/05/2024 15:28 GMT+7

Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến khoa học 2024

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang khẳng định: Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Cuộc thi Sáng kiến khoa học không chỉ tạo diễn đàn, là nơi chia sẻ các vấn đề quan tâm mang tính thời sự, mà còn là sân chơi để nhà khoa học trẻ trao đổi ý kiến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới, những sáng tạo hữu ích tới cộng đồng.
Ngày 16/5/2024, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị các nhà khoa học trẻ với chủ đề: "Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo" và trao giải Cuộc thi Sáng kiến khoa học. Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ KH&CN. Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
 
Toàn cảnh Hội nghị.
Ngày hội của những người làm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, cảm nhận được sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến của những người trẻ trong không khí của ngày hội những người làm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị.
Với chủ đề “Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, đây là vấn đề đang được các cơ quan quản lý quan tâm, xây dựng các chính sách, tạo môi trường thuận lợi giúp người trẻ phát huy sức sáng tạo, đam mê nghiên cứu ra những sản phẩm thiết thực, phục vụ cho phát triển kinh tế và cuộc sống hằng ngày. 
Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến khoa học 2024 đã tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ, thu hút các nhà khoa học chuyên hoặc không chuyên tham gia sáng tạo giải pháp và sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống. Các tác giả có nhiều người là nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học và người dân, những em học sinh đưa ra các sáng kiến giải bài toán từ chính cuộc sống của mình. 
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo; kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp KH,CN&ĐMST. Hiện, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) cũng có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế. Thứ trưởng hy vọng, những nỗ lực đó sẽ được chuyển hóa trong thực tế, Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ thành công. 
Tham luận với chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ: Bài học từ Buyo", TS. Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Công ty Nhựa sinh học Buyo cho biết, rác thải nhựa là vấn đề môi trường toàn cầu. Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nơi phát thải nhựa nhiều nhất trên thế giới.
TS. Trịnh Thị Hòa cùng các cộng sự tại Buyo đã có nhiều nghiên cứu về sản phẩm thay thế nhựa. Việt Nam được biết đến là nơi giàu nguyên liệu hữu cơ và đội ngũ của công ty đã tận dụng điều này để tìm ra sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ (nguồn gốc từ sản xuất thực phẩm, đồ uống như bã bia, phế phẩm (rác hữu cơ), hoàn toàn không chứa nhựa, an toàn cho sức khỏe. Công nghệ này đã nhận được nhiều giải thưởng từ cộng đồng khoa học cũng như thị trường đối với sản phẩm. 
Trong tương lai, doanh nghiệp mong muốn đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích vật liệu mới thay thế nhựa tương tự như khuyến khích nhựa tái chế, ưu tiên phát triển doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn.
Kỹ sư Lương Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương chia sẻ về quá trình nghiên cứu và sáng chế ra giải pháp sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn. Hiện giải pháp đến với người nông dân trên nhiều tỉnh thành: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Sơn La, Hải Dương... Thậm chí đã có đơn vị quốc tế đàm phán chuyển giao công nghệ, như: Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Indonesia.
Đại diện khối doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho rằng, kinh tế xanh kiến tạo không gian phát triển bền vững. Việc phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 theo hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, trở thành một ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. HDBank đã sớm xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh toàn diện và phát triển bền vững, chú trọng nghiên cứu và tài trợ các dự án tạo ra giá trị chuyển đổi thành chứng chỉ carbon phục vụ cam kết quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
 
Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra Tọa đàm "Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu".
7 công trình được trao giải cuộc thi sáng kiến
Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2024 chính thức khởi động từ ngày 2/12/2023, gồm những lĩnh vực có tính ứng dụng rộng bao gồm: y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Đặc biệt, Cuộc thi năm nay có thêm một hạng mục mới là vật liệu vi mạch bán dẫn.
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, học sinh, sinh viên từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, với hơn 135 hồ sơ tham gia.
Kết thúc vòng loại, 30 sản phẩm/giải pháp xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được đăng tải thông tin công khai trên website của cuộc thi để độc giả tham gia bình chọn.
Tại vòng chung kết, các tác giả/nhóm tác giả đã có buổi thuyết trình dự án trước Hội đồng giám khảo. Kết quả đánh giá dựa trên điểm của Hội đồng Ban giám khảo (80%) và điểm bình chọn của độc giả (20%).
Các giải pháp/sản phẩm đoạt giải có khả năng ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tối ưu hóa các nguồn lực hiện có giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn, góp phần hình thành các mô hình phát triển kinh tế mới.
PGS.TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban giám khảo cho biết, năm nay số lượng hồ sơ gửi về nhiều hơn so với hai năm trước, hơn 130 hồ sơ. Đây cũng là lần đầu cuộc thi đưa ra định hướng về bán dẫn và vi mạch.
Qua quá trình đánh giá, Ban tổ chức Cuộc thi trao 7 giải thưởng bao gồm: 1 giải nhất; 01 giải nhì; 1 giải ba; 3 giải khuyến khích, và 1 giải Sáng kiến:
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang và Tổng biên tập báo VnExpress trao Giải Nhất sáng kiến khoa học.
1. Công nghệ biến bùn thải nhà máy giấy thành nanocellulose và ứng dụng sản xuất giấy chất lượng cao, thuộc về tác giả PGS.TS Nguyễn Đình Quân cùng cộng sự tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí minh, được trao giải Nhất.
2. Máy gieo hạt, phun thuốc, bón phân cho cây lúa sử dụng đa chong chóng đẩy, của PGS. TS Vũ Ngọc Ánh cùng cộng sự tại trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, được trao giải Nhì.
3. Sản phẩm bê tông "xanh" truyền sáng, cường độ cao, của TS Tăng Văn Lâm, trường Đại học Mỏ - Địa chất, được trao giải Ba.
4. Bảng viết theo độ tuổi cho học sinh vùng khó khăn theo chương trình phổ thông 2018. Thiết bị hỗ trợ giảng dạy dành cho học sinh vùng khó khăn của tác giả Phạm Thu Trang, được trao giải Khuyến khích.
5. Chẩn đoán sớm, tiên lượng và phát triển chiến lược điều trị ung thư gan nguyên phát dựa vào biểu hiện của F1, của ThS Bùi Thị Phường cùng cộng sự tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, được trao giải Khuyến khích.
6. Ô cửa học tập thông minh cho học sinh mầm non miền núi, của các thầy cô Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Tuyên Quang) được trao giải khuyến khích.
7. Bếp nước ấm vùng cao - của nhóm tác giả Thủy Sơn Năng (Quảng Nam), được trao ở hạng mục vinh danh sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, được trao giải Sáng kiến.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 816

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)