Thứ sáu, 17/05/2024 14:42 GMT+7

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN lớn của cả nước

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân tại Thừa Thiên Huế.
Tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN
Chiều 16/5/2024, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Hội thảo “Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế”.
Tham dự sự kiện, về phía Bộ KH&CN, có ông Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ KH&CN. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, có ông Hoàng Khánh Hùng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN... đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; lãnh đạo các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp trên địa bàn, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở KH&CN.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Sự kiện được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nổi bật; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh trong tương lai; thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho xã hội, đồng thời nâng cao vị thế của ngành KH&CN trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, hoạt động KH&CN đã đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Các thành tựu của khoa học y dược Huế đã khẳng định vị thế của một trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước; khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng trên địa bàn, thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần tạo nên thế lực mới cho tỉnh và khu vực.
 
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 trong cả nước và 9/14 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 14 trong toàn quốc, đây là kết quả đáng mừng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế phát triển dựa vào tri thức ngày càng sâu rộng; đặc biệt là Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN lớn của cả nước.
Để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thừa Thiên Huế nhà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, trung tâm KH&CN lớn của cả nước trước năm 2030, Thừa Thiên Huế xác định tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN, hợp tác mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường; chủ động kết nối, hợp tác chiến lược với các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, các bộ, ngành Trung ương…
Phát triển KH&CN giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái ghi nhận và đánh giá cao những kết quả và thành tựu về KH&CN Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian vừa qua. Theo Thứ trưởng, ngành KH&CN của tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương đã nhận diện được vai trò quan trọng của KH,CN&ĐMST trong thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội cũng như chương trình hành động của tỉnh về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN. Nhiều dự án về KH&CN được đề xuất thực hiện đóng góp lớn cho phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. 
Thứ trưởng Trần Hồng Thái mong muốn thời gian tới, Bộ KH&CN và tỉnh Thừa Thiên Huế đồng hành tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các chính sách của ngành KH&CN; đầu tư nguồn lực cho KH&CN; hình thành, thúc đẩy thêm nhiều cơ sở, doanh nghiệp để phát triển mạnh KH&CN; đổi mới hướng nghiên cứu khoa học, sáng tạo theo hướng công nghệ xanh, kinh tế xanh, đa dạng sinh học... phát triển KH&CN giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã được lắng nghe các tham luận của các chuyên gia, khách mời gồm: Vai trò đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; Vai trò ứng dụng KH&CN trong phát triển sản phẩm chủ lực, OCOP ở Thừa Thiên Huế; Cổng Thông tin điện tử gắn với chuyển đổi số của ngành KH&CN; Phần mềm Quản lý nhiệm vụ KH&CN - Gắn kết công tác quản lý nhà nước và nghiên cứu, ứng dụng KH&CN…
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Đại học Huế, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là nhân lực công nghệ cao phục vụ cho mục tiêu phát triển thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, nhân lực vi mạch và bán dẫn là một lĩnh vực cần thiết cần được quan tâm và đầu tư, cũng như phát triển các chương trình đào tạo phù hợp cho việc cung ứng nguồn nhân lực có tính chất đặc thù này cho mục tiêu phát triển của địa phương và cho chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu.
Chia sẻ về vai trò ứng dụng KH&CN trong phát triển sản phẩm chủ lực, OCOP ở Thừa Thiên Huế, ông Lê Văn Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian vừa qua, một số chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã trực tiếp, gián tiếp được hưởng lợi từ các kết quả nhiệm vụ KH&CN tại các cấp. Một số các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất các đối tượng trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản (lúa, bò, cá...), từ đó góp phần nâng cao các tiêu chí về xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm soát chất lượng, liên kết chuỗi trong sản xuất... trong chương trình OCOP.
KH&CN là một trong các ngành quan trọng tham gia vào triển khai Chương trình OCOP; ứng dụng KH&CN là một trong các nhóm giải pháp thực hiện Chương trình OCOP từ giai đoạn 2018 đến nay. Đến nay, toàn tỉnh đã có 76 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Việc ứng dụng KH&CN càng ở mức cao, thì việc đánh giá sản phẩm OCOP tương ứng ở mức cao hơn. Một số tiêu chí ứng dụng KH&CN thuộc nhóm các tiêu chí điều kiện cần và đủ khi công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 5 sao.
Nhân dịp này, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố Cổng Thông tin điện tử ngành KH&CN và Phần mềm Quản lý nhiệm vụ KH&CN; Trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KH&CN” của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho những nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực KH&CN.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
 
Nghi thức bấm nút khai trương Cổng Thông tin điện tử ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Nghi thức nhấn nút khai trương Cơ sở dữ liệu KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Trao Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN cho Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH KH&CN Thanh Bình.
 
Công bố Quyết định và trao tặng Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ KH&CN “Vì sự nghiệp KH&CN Việt Nam”.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 612

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)