Thứ sáu, 09/04/2021 09:26 GMT+7

Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực đào tạo nghề dưới góc nhìn hội nhập quốc tế về KH&CN

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn quốc tế không đơn thuần là tạo ra nguồn nhân lực có bằng cấp chứng chỉ, đây phải là nguồn nhân lực được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế với các kỹ năng cao đáp ứng được nhu cầu không ngừng tăng lên của khách hàng quốc tế trong quá trình sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ “nhân lực”. Cùng với đó, người lao động phải được trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng với lao động từ nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn chóng mặt trên phạm vi toàn cầu.

Để đạt được những yêu cầu trên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần xác định đúng ngành, nghề trọng điểm khu vực và quốc tế cũng như trong nước đang có nhu cầu lớn. Các trường cần dựa trên việc xem xét tính phù hợp của tất cả các yếu tố như chuẩn quốc tế, đầu ra, chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo, đội ngũ giảng viên, trình độ và mức độ thu hút người học để để từ đó đưa ra những hành động đổi mới sáng tạo trên nền tảng, cơ sở và nguồn lực sẵn có của cơ sở GDNN với sự hỗ trợ từ khu vực công và đối tác nước ngoài.

Một ví dụ điển hình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, một hợp phần của chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” (Aus4Skills) - nằm trong chương trình Hợp tác phát triển Australia - Việt Nam (Aus4Vietnam) vào tháng 8/2018. Đây là chương trình hỗ trợ của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam trong 5 năm, nhằm giúp Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Những trường cùng được chọn tham gia chương trình này được thụ hưởng nhiều lợi ích.



Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa đại diện
Chương trình Aus4Skills, Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện một số trường cao đẳng nghề và doanh nghiệp (ảnh VLR)
 

Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2019-2020, Chương trình Aus4Skills phối hợp với Tổ chức Strategix và Trường Đại học Công nghệ Queensland đã tổ chức thành công khóa tập huấn ngắn hạn (2 tuần) về Xây dựng chiến lược và đánh giá đào tạo dựa trên năng lực thực hiện (CBTA) và thành công thí điểm đào tạo hai mô hình tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức và Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp nối sự thành công này, năm 2020, Chương trình Aus4Skills đã tiếp tục tổ chức thành công khóa tập huấn trực tuyến (3 tuần) cho các giảng viên các trường đào tạo nghề và các nhà quản lý đến từ doanh nghiệp logistics trên địa bàn Hải phòng và Trường Cao đẳng Hàng hải I là cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy nhất đào tạo Logistics được chọn để thí điểm đào tạo mô-đun nhận và lưu trữ hàng và thực hiện đào tạo thí điểm trong vòng 03 tháng trong năm công lịch 2020. Chương trình đã tăng cường, nâng cao kỹ năng cho giảng viên và cán bộ đào tạo nghề. Đây cũng là giải pháp hàng đầu trong việc xây dựng năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề nhằm cung cấp các khóa học chất lượng tốt nhất, phù hợp nhất.

Chương trình Aus4Skills tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và trường nghề. Sau mỗi khóa học, chuyên gia Australia và đại diện doanh nghiệp tham gia đánh giá kỹ năng nghề thực tế của người học và chất lượng của người học được nâng lên rõ rệt đáp ứng ngay nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh.



Các học viên tham gia khóa học,
giảng viên trường Cao đẳng Hàng hải I và các doanh nghiệp (ảnh: Cao đẳng Hàng hải I)
 

Từ ví dụ trên cho thấy trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế và KHCN quốc tế, đương nhiên phải tuân thủ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các yêu cầu khắt khe và tối ưu trong hiệu quả của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó cần có nguồn nhân lực đủ mạnh để tham gia quá trình hội nhập đó.

Hiện tại, việc hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) hầu hết mới diễn ra ở các cơ sở nghiên cứu ứng dụng (R&D) lớn và các cơ sở đào tạo đại học, hoạt động hợp tác về KHCN và ĐMST chưa thực sự chú trọng tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vậy nên các hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN và  ĐMST trong các cơ sở GDNN còn rất nhiều dư địa phát triển và cần sự định hướng hỗ trợ của khu vực công cũng như cộng đồng KHCN quốc tế. Muốn dư địa này phát triển, tạo cú huých cho hiệu quả đầu ra của sản phẩm giáo dục nghề nghiệp, hơn ai hết các cơ quan chủ quản, các cơ quản lý nhà nước về GDNN cần tăng cường hơn nữa mối liên kết với các Hiệp hội kinh doanh, các chương trình, dự án và tranh thủ sự ủng hộ của Bộ, ngành liên quan nhằm tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với các chương trình tiên tiến trên thế giới, tiếp cận với các đối tác công nghệ nước ngoài trong hợp tác chuyển giao công nghệ và ĐMST trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như người sử dụng sản phẩm đầu ra của cơ sở GDNN.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 2424

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)