Thứ ba, 06/04/2021 11:08 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với thành phố Hồ Chí Minh về triển khai Chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030

Ngày 2/4, tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Bùi Thế Duy làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM) về triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 và kế hoạch triển khai Đề án "Nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI giai đoạn 2020 – 2030 của TPHCM”.

Toàn cảnh buổi làm việc tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
 

Tại buổi làm việc với VNUHCM, sau khi chuyên gia AI của Đoàn giới thiệu những nét chính, điểm nhấn, các tiêu chí quan trọng, các chỉ tiêu chính của Chiến lược, PGS.TS. Vũ Hải Quân, UVBCHTW, Giám đốc VNUHCM đã nêu một số vấn đề chính sắp tới liên quan đến công tác đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực AI, CNTT, Quản lý đô thị, đề án mô hình đào tạo chia sẻ. Đồng thời PGS.TS. Vũ Hải Quân giới thiệu một số cơ sở chuyên ngành liên quan như Trung tâm dữ liệu, Trung tâm tính toán hiệu năng cao, Trung tâm đổi mới sáng tạo, khu phần mềm mở rộng với Trung tâm AI hợp tác cùng doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo về AI chuẩn bị đưa vào triển khai…

Các đại biểu cho rằng, VNUHCM nên có những định hướng mục tiêu cao trong việc nâng cấp các cơ sở nghiên cứu đào tạo về AI, hướng tới nhóm dẫn đầu Việt Nam, nhóm 20 trong khu vực. Các cơ sở về AI trong toàn quốc nên kết hợp cùng nhau xây dựng các bài toán lớn cho các ngành lĩnh vực khác ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa nguồn lực và khai thác hiệu quả các nền tảng tính toán hiệu năng cao và dữ liệu lớn. VNUHCM sớm kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng khung tham chiếu về đạo tạo cho các ngành AI hay DataScience.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi làm việc với UBND TPHCM.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị VNUHCM đồng bộ kế hoạch phát triển AI của mình với Đề án của TPHCM, Chiến lược của Quốc gia, trong đó lưu ý AI được định hướng ứng dụng phục vụ 3 lĩnh vực chính: An ninh - Quốc phòng, phục vụ người dân và quản lý tài nguyên môi trường. Đồng thời, VNUHCM sớm đưa chương trình AI vào các chương trình đào tạo chính thống nhiều cấp độ, đặc biệt ngay từ giáo trình nhập môn CNTT. Thứ trưởng gợi ý VNUHCM có hệ thống các trường chuyên cấp phổ thông, cần sớm đưa AI vào các nội dung STEAM. Đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu phát triển AI phải gắn vào các bài toán của các ngành lĩnh vực khác, chỉ có vậy AI mới thúc đẩy xã hội sáng tạo.

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lê Quốc Cường đã trình bày về việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 tại TPHCM. Theo đó, UBND TPHCM đã ban hành quyết định Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030” với cốt lõi phục vụ chuyển đổi số và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh…

Theo đó, một loạt chương trình đi kèm, như: Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm Công nghệ thông tin – Truyền thông giai đoạn 2020-2030; Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số tại TPHCM giai đoạn 2020-2030; Chương trình triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, AI ngày càng có vai trò quan trọng. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được xây dựng dựa trên các trung tâm lớn về khoa học, công nghệ thông tin như: Hà Nội, TPHCM, hai đại học quốc gia... Chiến lược này có mục tiêu và định hướng lớn nhưng phải có bước đi cụ thể, rõ ràng; gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng đề nghị TPHCM cân nhắc các hình thức, cơ chế đặt hàng, thí điểm các mô hình hợp tác giao cho doanh nghiệp cùng giải quyết các bài toán phục vụ đô thị dựa trên nền tảng AI. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi sẽ thử nghiệm nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới như 5G, AI, cần có cơ chế cấp phép nhanh khi doanh nghiệp thử nghiệm.

Thống nhất với đề nghị của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị Bộ KH&CN xem xét đề xuất với Chính phủ cho phép TPHCM có các cơ chế thí điểm, thử nghiệm chính sách để thúc đẩy phát triển ứng dụng AI và đổi mới sáng tạo cho Thành phố.

Nguồn: Cục Công tác phía Nam - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3358

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)