Thứ sáu, 02/04/2021 15:51 GMT+7

Bàn về các giải pháp tiêu thụ vải thiều năm 2021

Để triển khai tốt công tác tiêu thụ vải thiều trong năm nay, bên cạnh việc chỉ đạo người dân tuân thủ quy trình chăm sóc vải để đạt chất lượng cao nhất, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều.

Toàn cảnh hội nghị bàn về các biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2021.
 

Đây là các ý kiến được trao đổi thảo luận tại hội nghị bàn về các biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2021 do UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức chiều ngày 1/4. Tham dự hội nghị có đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); một số sở, ngành tỉnh; các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, chợ đầu mối, một số hệ thống siêu thị trong nước.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2021 huyện Lục Ngạn có 15,45 nghìn ha vải thiều, tăng 160 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt hơn 120 nghìn tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30 nghìn tấn). Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP đạt 12,4 nghìn ha, tăng 700 ha so với năm 2020. Dự báo thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 đến 20/7.

Năm nay, huyện Lục Ngạn vẫn tập trung cho ba thị trường xuất khẩu chính, gồm: Trung Quốc (với 36 mã số vùng trồng, diện tích 15,29 nghìn ha, sản lượng khoảng 120 nghìn tấn); thị trường Mỹ, EU (với 18 mã số vùng trồng, diện tích 217,89 ha; thị trường Nhật Bản (với 27 mã số vùng trồng, diện tích 194,5 ha, tăng 9 mã và 96,5 ha với năm 2020). Đồng thời duy trì một cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói tại Công ty cổ phần thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu.

Do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp nên UBND huyện xây dựng hai phương án hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Phương án 1, trong điều kiện, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp; dự kiến sẽ có 95 nghìn tấn vải thiều tươi được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; 25 nghìn tấn sẽ được tiêu thụ bằng hình thức sấy khô, bảo quản lạnh, nước ép và chế biến khác.

Phương án 2, nếu tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường; hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán vải tươi tại thị trường nội địa, tập trung vào các trung tâm thương mại; chợ đầu mối lớn; các tập đoàn bán lẻ tại hệ thống siêu thị và sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Lục Ngạn (tại địa chỉ dacsanlucngan.com). Với phương án này, UBND dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn (gồm có tiêu thụ trong nước và xuất khẩu); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn.
 

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi phát biểu tại Hội nghị.
 

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến đề xuất với UBND huyện và ngành chức năng một số giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2021. Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt các đơn vị cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, hạn chế thiệt hại cho nông dân. Đồng thời đề nghị UBND huyện có phương án bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian thu hoạch vải. Người dân đóng gói, cắt cuống, bỏ lá vải theo yêu cầu của phía nhập khẩu; chính quyền huyện, ngành chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân mang vải thiều đi hội chợ, triển lãm để quảng bá cho vải thiều Lục Ngạn ở tỉnh ngoài.
 

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị.
 

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang cho rằng huyện cần thăm dò ý kiến khách hàng, người tiêu dùng về chất lượng vải thiều để có giải pháp sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt nhất; thu thập, lưu giữ nhật ký sản xuất của nông dân để minh chứng cho các đối tác thu mua. Đồng thời yêu cầu nông dân chăm sóc vải đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, kiểm soát chặt chẽ thông tin chỉ dẫn địa lý trên bao bì sản phẩm.

Theo ông Lê Bá Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang: Để triển khai tốt công tác tiêu thụ vải thiều trong năm nay, chính quyền địa phương chỉ đạo người dân tuân thủ quy trình chăm sóc vải để đạt chất lượng cao nhất. Huyện làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh thật tốt, kịp thời có biện pháp xử lý. Các cơ quan, ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cửa hàng cung ứng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Xử lý nghiêm các hộ không tuân thủ quy trình sản xuất vải thiều như đã ký kết với các đối tác thu mua.

Trong thời gian tới, để góp phần cho vụ vải thiều năm 2021 đạt nhiều thắng lợi, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Tăng cường chỉ đạo người dân quản lý tốt mã số vùng trồng, thường xuyên hướng dẫn và giám sát chặt quy trình sản xuất vải thiều xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ vải thiều vừa tiêu thụ vải thiều vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; quan tâm xuất khẩu vải thiều ra các thị trường nước ngoài; trong đó có thị trường Nhật Bản. Làm tốt công tác quản lý thị trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giảm tối đa ùn tắc giao thông trong vụ thu hoạch vải thiều. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tiếp tục đồng hành với chính quyền huyện, tích cực tham gia hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều.

Được biết, trong năm 2021 sở Công Thương Bắc Giang dự kiến sẽ tổ chức 5 sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều, trong đó có: Chương trình du lịch trải nghiệm vùng vải thiều; tổ chức các sự kiện tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng tại một số thành phố lớn trong nước; tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang tại phố đi bộ Hà Nội (dự kiến từ ngày 10/6 đến 17/6/2021).

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3688

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)