Chính vì vậy, sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg ngày 16/3/2021 thay thế Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. So với Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg, Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg có các nội dung mới như sau:
1. Về phân loại doanh nghiệp theo quy mô:
Căn cứ vào quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Luật Đầu tư năm 2020, Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg phân loại doanh nghiệp theo quy mô, gồm 3 mức: (1) doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên; (2) doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên; (3) doanh nghiệp có tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng hoặc tổng số lao động dưới 200 người (so với Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg chỉ có 2 mức: (1) doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người; (2) các doanh nghiệp còn lại).
2. Về tỷ lệ tổng chi cho hoạt động R&D được tính trên tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào, bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa (so với Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg tính tỷ lệ tổng chi cho hoạt động R&D trên tổng doanh thu thuần hàng năm). Tỷ lệ này quy định cụ thể theo quy mô doanh nghiệp như sau: đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%; đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng hoặc tổng số lao động dưới 200 người phải đạt ít nhất 2%.
3. Về tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện R&D, điểm mới so với Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg là tính cả lao động có trình độ cao đẳng để phù hợp với đặc thù của hoạt động R&D trong doanh nghiệp, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30% tổng số lao động R&D. Lao động trực tiếp thực hiện R&D là lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn. Tỷ lệ này quy định cụ thể theo quy mô doanh nghiệp như sau: đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%; đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng hoặc tổng số lao động dưới 200 người phải đạt ít nhất 5%.
Ngoài ra, Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg cũng quy định về nội dung chi cho R&D bao gồm: khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho R&D; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động R&D của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ R&D và phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam.
Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 30/4/2020./.