Thứ năm, 15/09/2016 16:01 GMT+7

Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lồng ngực phức tạp ở trẻ em

Năm 2015, nhóm nghiên cứu do GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ Y tế đứng đầu, đã Nghiên cứu thành công ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lồng ngực phức tạp ở trẻ em nhằm mục tiêu xây dựng thành công quy trình...
Các nội dung chính của nghiên cứu bao gồm: Xây dựng quy trình phẫu thuật nội soi lồng ngực, gây mê, hồi sức điều trị teo thực quản; Nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị teo thực quản bẩm sinh bằng phẫu thuật nội soi lồng ngực; Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi lồng ngực điều trị thoát vị cơ hành bẩm sinh qua lỗ sau bên ở trẻ sơ sinh; Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi lồng ngực còn ống động mạch ở trẻ em và nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy phổi ở trẻ em.

Trong thời gian nghiên cứu, nghiên cứu đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được 12 quy trình trong phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ em. Các quy trình này được chuẩn hóa và bắt đầu được áp dụng ở một số cơ sở trong nước như Bệnh viện Nhi Trung ương và có khả năng chuyển giao cho một số bệnh viện chuyên khoa. Một số kỹ thuật mổ như kỹ thuật mổ thoát vị cơ hoành còn ống động mạch đã được báo cáo tại các hội nghị quốc tế và được xuất bản trên một số tạp chí quốc tế có uy tín.

Qua tiến hành áp dụng phẫu thuật nội soi lồng ngực (PTNSLN) để điều trị cho 326 bệnh nhân bị các dị tật teo thực quản (TTQ), Thoát vị cơ hoành (TVCH), cắt thùy phổi và còn ống động mạch (CÔĐM), nhóm nghiên cứu kết luận: PTNSLN là phương pháp khả thi, an toàn và hiệu quả để điều trị TVCH, TTQ, CÔĐM và cắt thùy phổi trong điều kiện Việt Nam. Tỷ lệ chuyển mổ thấp: 4% cho TVCH, 1,6% cho TTQ, 1,4 cho còn động mạch và 0% cho cắt thùy phổi. Không có biến chứng và tử vong trong mổ liên quan đến bơm hơi lồng ngực và kỹ thuật mổ. Các kết quả thu được khi sử dụng phương pháp này vào điều trị các bệnh lý trên đều có kết quả tốt. Tỷ lệ sống sau phẫu thuật là 86,7% cho TVCH, 82,3% cho TTQ, 100% cho CÔĐM, 100% cho cắt thùy phổi và 100% bệnh nhân CÔĐM không còn shunt tồn dư sau mổ. Ngoài ra, PTNSLN ít gây đau đớn cho bệnh nhân, thời gian nằm viện ngắn hơn, thẩm mỹ tốt hơn và tránh được các di chứng biến dạng lồng ngực và cong vẹo cột sống do mổ mở.

Tuy nhiên để PTNSLN có thể áp dụng rộng rãi tại Việt Nam và đạt được kết quả tốt hơn cần tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các bác sỹ sản khoa và siêu âm sản khoa, các kiến thức tốt hơn về chẩn đoán trước sinh các dị tật TVH, TTQ, CÔĐM và bệnh lý nang phổi bẩm sinh. Tổ chức đào tạo cho các cơ sở muốn triển khai PTNSLN ở trẻ em một líp đồng bộ về gây mê, hồi sức và phẫu thuật. Kiểm soát tốt hơn tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện để giảm tỷ lệ tử vong sau mổ cho TVCH và TTQ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11253) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.


Lượt xem: 2313

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)