Thứ năm, 28/04/2016 08:22 GMT+7

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội: 30 năm và những chặng đường

Được thành lập ngày 11/3/1986 theo Quyết định số 43/QĐ của Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp khoa học đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ đời...

30 năm qua, từ chỗ chỉ gồm các tổ Tổng hợp, tổ Kỹ thuật chiếu xạ và tổ Nghiên cứu nằm trong khuôn viên của Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, tháng 5/1988, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã được xây dựng mới trên diện tích khoảng 20.000 m2 tại địa chỉ Km 12, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội để tiếp nhận, vận hành và khai thác thiết bị chiếu xạ do cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) viện trợ theo Dự án VIE/8/004 về “Chiếu xạ thực phẩm”. Tháng 7/1991, nguồn phóng xạ Cobalt-60 đầu tiên với hoạt độ 107 kCi do Liên bang Nga sản xuất đã được Trung tâm tiếp nhận để vận hành thiết bị chiếu xạ. Kể từ đó, hàng loạt các đề tài nghiên cứu đã được thực hiện không chỉ trong lĩnh vực chiếu xạ thực phẩm mà cả các nghiên cứu bảo quản sản phẩm phi thực phẩm và khai thác các hiệu ứng khác của bức xạ, tạo cơ sở khoa học cho việc triển khai ứng dụng xử lý chiếu xạ tại Việt Nam.


Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ông Nguyễn Văn Châu, nguyên Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội trao đổi với GS. Henry Remister về việc xây dựng cơ sở chiếu xạ ở Việt Nam

Các kết quả đạt được đã khẳng định ưu điểm của công nghệ chiếu xạ, làm tiền đề để Bộ Y tế cấp phép hoạt động dịch vụ thanh tiệt trùng hàng hóa năm 1993. Sau khi trở thành đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, nhiều hướng nghiên cứu mới đã được mở ra như chiếu xạ khâu mạch polyme làm vật liệu co nhiệt, sản xuất bơm kim tiêm dùng một lần, chiếu xạ đổi màu kính, đá quý… Tiềm năng ứng dụng to lớn của xử lý chiếu xạ là cơ sở để Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNBX tại thành phố Hồ Chí Minh (Vinagama) năm 1999, và sau đó là sự ra đời của ngành công nghiệp chiếu xạ ở miền Nam. Bước vào thế kỷ XXI, tuy hoạt độ nguồn phóng xạ suy giảm mạnh, Trung tâm đã nỗ lực tìm kiếm các hướng nghiên cứu ứng dụng mới như chiếu xạ kiểm dịch quả tươi, chiếu xạ sửa đổi các hợp chất polyme tạo vật liệu chức năng cho các ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế và môi trường thông qua việc thiết lập và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong ngoài nước, song đến cuối năm 2006, dây chuyền thiết bị chiếu xạ của Trung tâm mới được nâng cấp để trở nên gọn nhẹ và hiệu quả.

Cùng với sự phát triển ngành Năng lượng nguyên tử, tháng 4/2007, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã tách khỏi Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân để trở thành đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam theo Quyết định số 590/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2009, Trung tâm được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) viện trợ nguồn phóng xạ Cobalt-60 hoạt độ 100 kCi phục vụ công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNBX ở miền Bắc Việt Nam. Tiếp nhận thiết bị gia tốc cyclotron 13 MeV của Chính phủ Hàn Quốc năm 2010, các phòng nghiên cứu mới gồm phòng Gia tốc và Hóa phóng xạ đã được thành lập để làm chủ thiết bị gia tốc và sản xuất đồng vị phóng xạ 18F và dược chất phóng xạ 18FDG. Năm 2013, Trung tâm đã thành lập thêm phòng Điện tử hạt nhân và điều khiển để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu triển khai ứng dụng CNBX và công nghệ gia tốc. Cùng năm, Trung tâm tiếp tục được bổ sung 100 kCi nguồn phóng xạ Co-60 để đạt hoạt độ nguồn chiếu khoảng 110 kCi và khả năng chiếu xạ dịch vụ trên 3000 giờ như hiện nay.

Sau khi Đề án Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm được phê duyệt cuối năm 2013, đến nay cơ cấu tổ chức của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội gồm các đơn vị nghiên cứu khoa học, triển khai dịch vụ và các bộ phận chức năng khác với đội ngũ cán bộ tương đối trẻ và được đào tạo. Năm 2014, Trung tâm đã có thể tự nạp dỡ nguồn phóng xạ, đảm bảo hoạt động an toàn thiết bị chiếu xạ. Năm 2015, Trung tâm được phê duyệt Đề án nâng cấp thiết bị để chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi phục vụ xuất khẩu. Trung tâm cũng đang xúc tiến việc xin giấy phép sản xuất và sử dụng dược chất phóng xạ 18FDG, để có thể cung cấp cho một số bệnh viện, giúp chẩn đoán ung thư sớm và một số chứng bệnh nan y.

Trong thời gian qua, Trung tâm cũng đã hoàn thành một lượng lớn các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến chiếu xạ thực phẩm, khử trùng y tế, sửa đổi đặc tính polyme, thiết lập các thông số vận hành tối ưu thiết bị gia tốc cyclotron 13 MeV, sản xuất đồng vị 18F và dược chất phóng xạ 18FDG trên máy gia tốc, chế tạo thiết bị điện tử hạt nhân. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bức xạ là cơ sở khoa học để Bộ Y tế ban hành “Quy định vệ sinh an toàn đối với thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ”, cho phép xử lý chiếu xạ liều khác nhau đối với 7 loại thực phẩm bao gồm cả thảo mộc và dược liệu sơ chế theo Quyết định số 3616/2004/QĐ-BYT ngày 14/10/2004. Trong khi kết quả đạt được trong lĩnh vực gia tốc và điện tử giúp Trung tâm có đủ năng lực để làm chủ máy gia tốc KONTRON13, sản xuất đồng vị 18F, dược chất 18FDG, chế tạo thiết bị quan trắc và cảnh báo phóng xạ cũng như một số thiết bị đo lường và điều khiển không chỉ phục vụ cho ngành năng lượng nguyên tử mà cả các ngành kinh tế - xã hội khác.

Về công tác triển khai ứng dụng, dù thiết bị chiếu xạ của Trung tâm chủ yếu dành cho nghiên cứu, một số dịch vụ chiếu xạ cũng được triển khai, trong đó chủ yếu tập trung vào chiếu xạ thực phẩm và thanh tiệt trùng sản phẩm phi thực phẩm gồm bảo quản dược liệu và thuốc đông dược, khử trùng y tế... giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn bảo đảm chất lượng sản phẩm và tăng cao giá trị hàng hóa, nạp ngân sách cho Nhà nước cũng như cải thiện đời sống cho người lao động của Trung tâm. Với khả năng xử lý thanh tiệt trùng ở quy mô lớn đối với hàng hóa đã bao gói, chiếu xạ được xem là phương pháp hiệu quả cao để khử trùng y tế thay cho biện pháp xử lý nhiệt và hóa chất. Tuy nhiên, chi phí khử trùng y tế bằng chiếu xạ vẫn khá cao so với các phương pháp xử lý truyền thống nên vẫn chưa thể triển khai như kỳ vọng. Việc tham gia các Dự án hợp tác vùng (RCA) về Chiếu xạ thực phẩm trong những năm gần đây giúp Trung tâm thực hiện các nghiên cứu chiếu xạ kiểm dịch thực vật để kiểm soát côn trùng trên quả thanh long, quả bưởi, quả vải. Những kết quả đạt được góp phần để cơ quan giám sát sức khỏe động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (APHIS, USDA) cho phép 4 loại trái cây tươi Việt Nam chiếu xạ gồm quả thanh long, chôm chôm, quả vải, nhãn được xuất khẩu sang Mỹ.



Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử và cán bộ Bệnh viện 108 thăm quan máy gia tốc KONTRON13 tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

Được sự quan tâm của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2015, Trung tâm đã thực hiện dự án "Nâng cấp hạ tầng để chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu". Đến nay Dự án đã hoàn thành, song vẫn còn rất nhiều việc cần làm để có thể giúp người dân mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị hàng nông sản. Với định hướng đưa Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phát triển lên tầm cao mới như mong đợi của các cấp lãnh đạo, Trung tâm đã xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên và một số chương trình khoa học công nghệ mang tính dài hạn để đẩy mạnh hơn nữa các ứng dụng công nghệ bức xạ, công nghệ gia tốc, điện tử hạt nhân và sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giúp Trung tâm trở thành đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực ứng dụng CNBX khu vực miền Bắc. Trung tâm cũng dự kiến thiết lập và phát triển các chương trình hợp tác hợp tác trong và ngoài nước gồm hợp tác vùng về chiếu xạ thực phẩm, hợp tác song phương về công nghệ bức xạ với các viện nghiên cứu chuyên ngành của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ bức xạ, công nghệ gia tốc phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.


Lượt xem: 6179

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)