Thứ tư, 15/06/2016 17:44 GMT+7
Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị sấy sử dụng năng lượng nhiệt từ hơi nóng và lực va đập sinh ra từ sóng siêu thanh của khí nén
Năm 2014, các nhà nghiên cứu tại Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất do ThS. Lưu Ngọc Vĩnh dẫn đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị sấy sử dụng năng lượng nhiệt từ hơi nóng và lực va đập sinh ra từ sóng siêu thanh...
Sản phẩm sấy của quá trình sấy phun có dạng bột mịn đồng nhất, xốp, dễ hòa tan, không phải qua giai đoạn nghiền và thích hợp cho những sản phẩm nhạy về nhiệt. Phương pháp này có nhiều ưu điểm nên được áp dụng rộng rãi và tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả của phương pháp này, trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu sử dụng sự hỗ trợ của sóng siêu thanh vào quá trình sấy phun. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu chưa được áp dụng trong quá trình sấy phun tại Việt Nam. Vì vậy, các nhà khoa học tại Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất đã thực hiện nghiên cứu để nâng cao hiệu quả của quá trình sấy phun. Từ đó, hướng tới việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào các quá trình sản xuất trên quy mô công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc, nội địa hóa sản phẩm vào thị trường Việt Nam.
Qua nghiên cứu quá trình sấy phun có sự hỗ trợ của sóng siêu thanh và khí nén, nhóm nghiên cứu đã rút ra một số kết luận sau:
- Việc lựa chọn phương pháp sấy phun có sự hỗ trợ của sóng siêu âm và khí nén để sấy dung dịch Sorbitol là phù hợp, khắc phục được hạn chế của các phương pháp khác là sấy được ở nhiệt độ thấp (600) để không làm giảm hoạt tính sinh học Sorbitol và đạt hiệu suất sấy cao, sản phẩm có độ khô đồng đều hơn.
- Đã khảo sát ảnh hưởng của 4 yếu tố công nghệ là thời gian, tốc độ tác nhân sấy, độ ẩm vật liệu sấy, nhiệt độ đến hiệu quả của quá trình sấy phun Sorbitol và xác định được miền biến thiên của các yếu tố ảnh hưởng cần nghiên cứu.
- Đã xác định điểm tối ưu của quá trình sấy bằng phương pháp thực hiện tối ưu hóa hàm mục tiêu theo phương pháp leo dốc Box-Wilson sử dụng phần mềm DESIGN EXPERT 9.0 để xử lý số liệu thực nghiệm tối ưu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10990/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.