Thứ ba, 14/06/2016 14:23 GMT+7

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm

Ngày 08/6/2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã ban hành Quyết định số 2350/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00048 cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. Đây là sản phẩm thứ hai của tỉnh Đồng Nai được bảo hộ chỉ dẫn...
Địa danh Long Khánh được hình thành từ năm 1837, thuộc hai phủ Long An và Phước Khánh. Trải qua nhiều lần tách, nhập về địa giới hành chính, Long Khánh đã trở thành đô thị loại III vào năm 2015. Long Khánh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu mối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh thuộc miền Trung, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh đó là chôm chôm nhãn Long Khánh và chôm chôm tróc Long Khánh. Chôm chôm nhãn Long Khánh là quả chôm chôm của giống chôm chôm Nhãn; chôm chôm tróc Long Khánh là quả chôm chôm của giống chôm chôm Java (hay Giava) được trồng, bảo quản và đóng gói tại khu vực địa lý.

Thu hoạch và phân loại chôm chôm Long Khánh

Chôm chôm nhãn Long Khánh có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng của chôm chôm Long Khánh là: trọng lượng quả từ 23,15 đến 30,32 g/quả, chiều dài quả từ 38,09 đến 43,13 mm, đường kính quả từ 32,85 đến 35,66 mm, độ dày vỏ từ 02,86 đến 03,94 mm, độ dày cùi từ 06,11 đến 07,44 mm, khối lượng cùi từ 11,32 đến 14,92g/quả, độ Brix từ 17,91 đến 19,42%, hàm lượng nước từ 76,71 đến 81,24%, hàm lượng đường tổng số từ 11,18 đến 18,24%, hàm lượng vitamin C từ 09,74 đến 55,25 mg/100ml.

Chôm chôm tróc Long Khánh có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dầy và đuôi có đốm xanh, vị ngọt. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng của chôm chôm Long Khánh là: trọng lượng quả từ 30,17 – 36,26 g/quả, chiều dài quả từ 41,44 đến 45,54 mm, đường kính quả từ 35,10 đến 38,40 mm, độ dày vỏ từ 03,21 đến 04,11mm, độ dày cùi từ 06,63 đến 08,18mm, khối lượng cùi từ 13,66 đến 17,19g/quả, độ Brix từ 17,74 đến 19,45%, hàm lượng nước từ 76,84 đến 80,86%, hàm lượng đường tổng số từ 10,57 đến 13,68%, hàm lượng vitamin C từ 14,03 đến 52,89mg/100ml.

Hình thái cảm quan của quả chôm chôm nhãn Long Khánh

Hình thái cảm quan của quả chôm chôm tróc Long Khánh


Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là quả chôm chôm, được trồng ở các xã: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (thị xã Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), tỉnh Đồng Nai, Việt Nam; được bảo quản, đóng gói tại các khu vực gồm: thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là các yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh. Về địa hình, khu vực địa lý có địa hình đồi thoải lượn sóng, độ dốc từ 3 – 8o. Về khí hậu, khu vực địa lý có tổng lượng mưa trung bình cả năm từ 1630mm – 2190mm; nhiệt độ trung bình năm từ 25,40C – 26,60C; độ ẩm trung bình cả năm dao động từ 78,5% – 83%, tổng lượng bốc hơi trung bình năm dao động từ 1030mm – 1240mm; tổng số giờ nắng trung bình năm dao động từ 2330 giờ - 2600 giờ. Về thổ nhưỡng, khu vực địa lý có điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đất đỏ ba zan, thành phần sét và thịt pha sét, độ chua trung bình pH từ 4,02 – 5,12, các cation trao đổi trong đất dao động từ mức thấp đến trung bình và dung lượng cation trao đổi (CEC) ở mức trung bình (12,33 – 17,07 meq/100g), đất giàu chất hữu cơ (1,75 – 3,33%), thành phần dinh dưỡng đa lượng ở mức trung bình đến giàu, hàm lượng lân và kali dễ tiêu (8,44 – 24,93mg/100g), hàm lượng sắt tổng số trong đất rất cao (Fe từ 12,31 – 17,95%), hàm lượng vi lượng (Mn, Cu, Zn, B…) trong đất cao./.
 

Lượt xem: 3153

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)