Thứ ba, 08/04/2025 14:18 GMT+7

Bộ KH&CN cam kết đồng hành với Doanh nghiệp trong nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ

“Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần khẳng định:“Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy doanh nghiệp tư nhân làm trụ cột trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH&CN, ĐMST&CĐS) quốc gia”.

Thông điệp này tiếp tục được ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng Chương trình Trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KH&CN nhấn mạnh tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chương trình làm việc nhằm tăng cường kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với khu vực doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu phát triển KH&CN, ĐMST&CĐS, đồng thời chia sẻ thông tin về các chính sách hỗ trợ của Bộ trong thời gian tới.

Doanh nghiệp mong muốn chính sách sát thực tiễn

Tại buổi làm việc, ông Đặng Đình Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đại diện Tập đoàn VNPT đã khẳng định, thực hiện định hướng của của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57, VNPT tập trung phát triển KH&CN theo ba trụ cột: Hạ tầng số, sản phẩm – dịch vụ số và nền tảng công nghệ số. Theo đó, VNPT đang ưu tiên đẩy mạnh đầu tư vào R&D, các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, 6G, đồng thời xây dựng hệ sinh thái số phục vụ chuyển đổi số toàn diện.

Ông Đặng Đình Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn VNPT.

Toàn cảnh buổi làm việc tại Tập đoàn VNPT.

Tuy nhiên, đại diện VNPT cho rằng, quy trình triển khai nhiệm vụ KH&CN hiện tại chủ yếu phù hợp với viện, trường, chưa thực sự “vừa vặn” với nhu cầu của doanh nghiệp, là nơi sản phẩm phải ra thị trường đúng tiến độ. Do đó, VNPT kiến nghị Bộ KH&CN cần có cơ chế linh hoạt, cụ thể hơn cho từng loại hình doanh nghiệp; làm rõ phạm vi áp dụng các chính sách ưu đãi như Nghị quyết193 của Quộc hội, đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tăng cường truyền thông để doanh nghiệp hiểu và chủ động triển khai hiệu quả các chính sách.

Trong lĩnh vực dược phẩm, ông Torsten Wagner, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) cũng chia sẻ kỳ vọng được Bộ KH&CN đồng hành thiết thực hơn trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ. Phytopharma đề xuất có chính sách ưu tiên đặc thù cho lĩnh vực sản xuất thuốc biệt dược, rút ngắn thời gian cấp phép lưu hành, đồng thời đẩy mạnh liên kết với viện, trường nhằm đưa nhanh các sản phẩm công nghệ cao vào phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đoàn Bộ KH&CN làm việc tại Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma).

Ông Wagner so sánh: Nếu tại Đức, ĐMST bắt đầu từ trường đại học thì tại Việt Nam lại khởi nguồn từ nhu cầu của doanh nghiệp. Trong mô hình này, Bộ KH&CN đóng vai trò kết nối, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ từ viện, trường trong nước hoặc từ nước ngoài, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.

Trong lĩnh vực thủy sản, ông Mai Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Growmax – doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tôm tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu (chiếm tới 99%), trong khi đây là mắt xích then chốt quyết định chất lượng và giá trị của chuỗi sản xuất ngành tôm. Growmax đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ nguồn gen tôm bố mẹ trong nước và phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng AI, IoT, blockchain, kết hợp an toàn sinh học toàn chuỗi.

Đoàn Bộ KH&CN làm việc với Tập đoàn thủy sản Growmax.

Doanh nghiệp cũng mong muốn có các chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, vốn vay cho nghiên cứu chuyển giao công nghệvà có cơ chế ưu tiên doanh nghiệp nội địa tham gia các chương trình KH&CN quốc gia, từ đó hình thành lực lượng doanh nghiệp công nghệ mạnh, đảm bảo an ninh lương thực và làm chủ công nghệ trong ngành thủy sản.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, định hướng đầu tư dài hạn

Trước kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng Chương trình Trọng điểm cấp Nhà nước cho biết: Bộ KH&CN đang triển khai nhiều chương trình trọng điểm nhằm phát triển các lĩnh vực mũi nhọn, nâng cao năng lực ĐMST quốc gia. Tiêu biểu như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (máy nông nghiệp, thiết bị y tế, vắc xin, vật liệu xây dựng mới…), Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin – truyền thông, vật liệu mới, công nghệ môi trường…) và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ông Đào Ngọc Chiến trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

Về hành lang pháp lý, các quy định hiện hành đang dần trao quyền chủ động lớn hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, kết quả nghiên cứu do doanh nghiệp thực hiện - kể cả có sử dụng ngân sách nhà nước - vẫn thuộc quyền sở hữu của chính doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho R&D, đổi mới công nghệ. Đặc biệt, theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng chi cho KH&CN và ĐMST đạt 2% GDP, trong đó khu vực doanh nghiệp đóng góp 2/3. Đây là định hướng chiến lược, thể hiện rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong phát triển công nghệ lõi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị quyết số 193/2024/QH15 của Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thí điểm mang tính đột phá nhằm khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ. Cụ thể, nghị quyết quy định doanh nghiệp được sở hữu hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu, kể cả trong trường hợp có sử dụng ngân sách nhà nước, mà không phải hoàn trả chi phí hoặc chuyển giao kết quả cho Nhà nước; được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động KH, CN&ĐMST.

Bộ KH&CN cũng đang tiến tới thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, phát triển sản phẩm công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Đây là “công cụ” quan trọng khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn lớn, chủ động đầu tư cho KH,CN, ĐMST&CĐS.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh thông điệp nhất quán: Doanh nghiệp là trung tâm, doanh nghiệp tư nhân là “trụ cột” trong phát triển KH,CN&ĐMST. Trên hành trình chinh phục công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và toàn cầu, Chính phủ và Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

 

Nguồn: Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông kH&CN

Lượt xem: 445

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)