Thứ tư, 15/06/2016 17:43 GMT+7

Nghiên cứu ứng dụng nano bạc sát khuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm lót giầy

Năm 2014, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu da-giầy đã gặt hái nhiều thành công trong việc nghiên cứu ứng dụng nano bạc sát khuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm lót giầy.
Trong ngành da giầy ở Việt Nam, sử dụng bạc trong các sản phẩm lót giầy còn khá mới. Nano bạc có khả năng diệt hơn 650 loại vi khuẩn khác nhau chỉ trong vòng một phút. Ngoài ra, các hạt nano bạc cũng sẽ giúp tạo ra các oxygen hoạt tính từ trong không khí hoặc từ trong nước và từ đó, phá hủy màng tế bào của vi khuẩn. Các hạt nano bạc đã được đưa vào các chất dẻo và ứng dụng khá rộng rãi trong đời sống. Nano bạc được đưa vào polime như polyetylen (PE), polypropylen (PP), các loại giấy, vải… có khả năng diệt ba loại vi khuẩn: tụ cầu vàng, Bacillus pneumoniae và E.Coli. Với nhu cầu tiêu dùng hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện và có lợi cho sức khỏe ngày càng được quan tâm, sản phẩm lót giầy kháng khuẩn trên cơ sở nguồn nguyên liệu lót giầy truyền thống mang vật liệu nano bạc là hướng nghiên cứu mới cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội. Vấn đề này cũng nằm trong xu hướng nghiên cứu mới của thế giới, đặc biệt giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nano bạc sát khuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm lót giầy” của Viện nghiên cứu da-giầy đã lựa chọn được vật liệu thích hợp để phủ nano bạc bằng phương pháp ngâm và xác định nồng độ nano bạc ở mức 100 ppm. Kết quả thử nghiệm hoạt tính nano bạc cho thấy khả năng kháng khuẩn duy trì khá tốt sau 6 tháng sử dụng, hàm lượng nano trên vật liệu còn lại khoảng gần 30% so với lượng ban đầu. Nano bạc có hoạt tính kháng khuẩn cao, rất phù hợp để phủ lên các vật liệu làm lót giầy. Hơn nữa, khả năng kháng khuẩn của lót giầy phủ nano bạc (da thuộc, vải cotton), duy trì tốt sau 15 lần làm sạch.

So với lót giầy thông thường (không có nano bạc), lót giầy phủ nano bạc phải chịu thêm chi phí hóa chất, chi phí nhiệt, năng lượng, chi phí nhân công và các chi phí khác, do vậy, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên.

Mỗi đôi lót giầy từ da có giá thành tăng từ 10.000-12.000 đồng. Điều này được tính trên cơ sở mỗi đôi lót cần từ 40ml dung dịch nano bạc 100ppm. Giá nano bạc trên thị trường hiện nay vào khoảng 1,0 triệu đồng cho 1 lít dung dịch bạc 1.000 ppm. Mỗi lít pha được 10 lít dung dịch nano bạc 100 ppm. Vậy 1 lít nano bạc 1.000 ppm dùng được cho 250 đôi lót giầy. Giá thành mỗi đôi lót phải chịu 4.000 đồng. Như vậy, chi phí sản xuất trung bình tính cho 1 đôi lót giầy da phủ là 26.220 đồng.

Đối với lót giầy vải 100% cotton thì mỗi đôi lót cần từ 50 ml dung dịch nano bạc 100 ppm. Trên cơ sở đó, 1 lít nano bạc 1.000 ppm dùng được cho 200 đôi lót giầy. Giá thành mỗi đôi lót phải chịu là 5.000 đồng. Như vậy, chi phí sản xuất trung bình tính cho 1 đôi lót giầy vải 100% cotton phủ bạc nano là 21.505 đồng.

Sự thành công của Đề tài sẽ mở ra cho các đơn vị Da giầy trong nước khả năng sản xuất các sản phẩm vừa có tính năng sử dụng vừa có tính năng chăm sóc sức khỏe người sử dụng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11011/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.

Lượt xem: 3547

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)