Tính chung nhiều năm qua, Thành phố chi hơn 2% ngân sách cho KH&CN, kể cả nghiên cứu và đầu tư, hạ tầng công nghệ - hạ tầng công nghệ cao... Quan điểm của Lãnh đạo Thành phố là không hạn chế chi cho KH&CN và xác định đây là đầu tư cho hôm nay và cho lâu dài. Vấn đề không phải là chi bao nhiêu tiền cho KH&CN mà là hiệu quả hay không hiệu quả. Thành phố quan tâm ở hiệu quả. Thành phố có thể chi cao hơn 2% nếu có hiệu quả.
Trong thời gian qua và tới đây, Thành phố đã làm một số biện pháp để chi cho KH&CN hiệu quả như sau:
(i) Thành phố đặt hàng cho các nhà khoa học. Khi đặt hàng, chúng ta có kết quả nghiên cứu cụ thể, ví dụ như đặt hàng cho các nhà khoa học xây dựng mô hình công nghệ giao thông để giải quyết bài toán về giao thông, ngập lụt..
(ii) Mua sản phẩm KHCN - đề tài nghiên cứu, sản phẩm, bài báo khoa học... Chúng ta mua kết quả cuối cùng để tránh cho các nhà khoa học phải làm các thủ tục hành chính- những điều không nên để các nhà khoa học phải làm, các nhà khoa học chỉ cần tập trung nghiên cứu.
(iii) Tập trung thương mại hóa sản phẩm khoa học. Sau khi đề tài nghiên cứu thành công trở thành sản phẩm khoa học, tiến hành thương mại hóa sản phẩm này cung cấp cho thị trường và phục vụ xã hội. Không để các sản phẩm bị “cất trong ngăn tủ”.
(iv) Tập trung huy động lực lượng khoa học và đào tạo nhằm tập trung phát triển ngành vi mạch do tính an ninh và có giá trị gia tăng cao.
(v) Phát triển quỹ KH&CN tại các doanh nghiệp: Mặc dù việc phát triển quỹ tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập do các quy định của Nhà nước- 10% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp dành cho KH&CN nhưng nhà nước quản lý như tiền của nhà nước, ràng buộc rất lớn. Tới đây, UBND Thành phố sẽ kiến nghị để nhà nước cho doanh nghiệp quản lý quỹ phát triển KH&CN, không để tình trạng phát triển khoa học bằng biện pháp quản lý hành chính.
(vi) Để cho TP. Hồ Chí Minh khác với các tỉnh thành khác trong phát triển KH&CN, trong chương trình xây dựng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nội dung bắt buộc đưa vào tái cấu trúc - ứng dụng KH&CN và Công nghệ thông tin. Đây là nội dung phải được đưa vào ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đua của lãnh đạo các doanh nghiệp. Thời gian tới, Thành phố sẽ quyết liệt thực hiện nội dung này.
(vii) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội sâu vì khoa học xã hội ảnh hưởng mạnh đến chất lượng cuộc sống.
Một lần nữa ông Lê Mạnh Hà khẳng định: Mặc dù có những kết quả đáng ghi nhận nhưng chúng ta chưa bao giờ hài lòng với cái chúng ta làm được trong KH&CN, trong công nghệ cao và công nghệ thông tin. Lãnh đạo Thành phố không chỉ quan tâm đầu tư cho khoa học ở hình thức, mà quan tâm rất cụ thể, bằng cơ chế chính sách, kinh phí...