Thứ sáu, 27/03/2009 10:35 GMT+7

Sở KH&CN Tp.HCM triển khai đề án đổi mới công nghệ

Vừa qua, Sở KHCN Tp.HCM đã triển khai đề án “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM”.

Một đề án thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Đề án này được thực hiện theo quyết định số: 5114/2008/QĐ-UBND của UBND Tp.HCM. Mục tiêu của đề án là thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sản xuất và tự động hóa với sự hỗ trợ của Nhà Nước; hình thành thị trường công nghệ: Chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn - chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin thị trường… Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thuộc 4 ngành công nghiệp ưu tiên của thành phố (cơ khí - chế tạo máy, điện tử - CNTT, hóa – dược, chế biến lương thực - thực phẩm); xây dựng giải pháp tổng thể bao gồm cơ chế, chính sách hỗ trợ, phương án tài chính…

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Cụ thể, chương trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp; chương trình nâng cao năng lực tiếp thu, giải mã công nghệ nước ngoài; chương trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm công nghệ, hệ thống kiểm định chất lượng và đăng ký sở hữu trí tuệ; phát triển nhóm tư vấn công nghệ; chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; giới thiệu công nghệ thiết bị mới; chương trình hỗ trợ tài chính – tín dụng…

Ông Nguyễn Trung Tín, phó chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, đề án này Trung ương đã có, thành phố cũng có. Đây là một đề án rất thiết thực. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa từng ngành sản phẩm, giải pháp và phải thực hiện như thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm? Quyết định của Tp.HCM cho phép nhập khẩu, mua sáng kiến, bằng sáng chế, sáng tạo… "Nhu cầu thì rất nhiều nhưng triển khai thì rất ít", ông Tín chia sẻ.

Một số đề tài, dự án thực hiện trong thời gian qua còn rời rạc, chưa tập trung, thiếu tính thực tiễn, lạc hậu, việc quảng bá không hiệu quả… Do đó, cần phải thảo luận cơ chế, chính sách, kết hợp với các sở ban ngành liên quan phối hợp thực hiện và giao cho sở KHCN chủ trì đề án đối mới công nghệ này, ông Tín cho biết thêm.

Ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở KH&CN Tp.HCM cho biết, cần phải thay đổi cách tiếp cận doanh nghiệp theo cách hành chánh công văn, nhờ tác động của các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp… làm sao cho doanh nghiệp hiểu hết lợi ích của KH&CN và bản thân doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia đề án này. Về phía doanh nghiệp cần phải thay đổi suy nghĩ “đổi mới là chấp nhận rủi ro”, thay đổi thói quen làm việc thiếu khoa học...

Được biết, Sở KH&CN Tp.HCM sẽ trình UBND Tp.HCM phê duyệt đề án thành lập Quỹ đổi mới công nghệ Tp.HCM. Quỹ này ngoài sự đóng góp của các doanh nghiệp, Nhà Nước sẽ hỗ trợ để tạo đầu vào về mặt công nghệ cho các doanh nghiệp tự chọn lựa và tiến đền xây dựng sàn giao dịch công nghệ Tp.HCM. Sàn giao dịch là nơi trao đổi mua bán, tư vấn, các nhà khoa học có thể bán ý tưởng sáng tạo, chất xám của mình…

Kế hoạch thực hiện

Theo kế hoạch của dự án từ nay đến 2010, Sở KH&CN Tp.HCM sẽ chủ trì phối hợp các ban ngành liên quan triển khai thí điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất (khoảng 900 doanh nghiệp); Ưu tiên thực hiện trước việc giải pháp cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ đổi mới công nghệ; tiếp thu công nghệ, giải mã công nghệ nước ngoài; phát triển hoạt động tư vấn công nghệ; thiết kế chế tạo thiết bị trong nước và nội sinh hóa công nghệ; hỗ trợ liên quan đến tài chính tín dụng… Giai đoạn sau 2010 sẽ đánh giá sơ kết giai đoạn 2009 – 2010, điều chỉnh bổ sung các mục tiêu và nội dung triển khai theo yêu cầu thực tiễn và từng bước nhân rộng triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn Tp.HCM…

Theo ông Lê Hoài Quốc, phó giám đốc Sở KH&CN Tp.HCM thì đề án đã thực hiện được việc bố trí nhân sự và văn phòng thường trực; trang bị phục vụ công tác quản lý đề án, tư vấn, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch công việc, kinh phí hằng năm và quy chế hoạt động của đề án (nối kết được các nguồn lực của Sở và các đơn vị trực thuộc, có mô tả công việc, tiêu chí đánh giá kết quả và giám sát tiến độ). Ngoài ra, cần phải tổ chức tuyên truyền quảng bá đề án đến các doanh nghiệp; khảo sát và thu nhận các nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia công nghệ và cộng tác viên tham gia vào đề án…

Lượt xem: 698

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)