Các nội dung chính được thảo luận trong Hội thảo bao gồm các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm tạo nên những khu nông nghiệp ứng dụng CNC góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn nông thôn miền núi; vai trò của doanh nghiệp trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Ích, Quyền Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những chính sách này đã mang lại những thành quả nhất định, tiến bộ bước đầu về phát triển nông nghiệp và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, những thành quả trên có sự đóng góp lớn của KH&CN.
Điều này cũng được khẳng định tại Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XI về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”: phát triển ứng dụng KH&CN là quốc sách hành đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc. Với tinh thần đó, những năm qua nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng được ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, những công nghệ cao vào sản xuất giúp cho sản lượng lúa, khoai, ngô, tôm, cá… năm sau luôn cao hơn năm trước.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu tham gia đều có chung nhận định, khoảng 5 năm trở lại đây, ứng dụng CNC trong nông nghiệp ở Việt Nam đã phát triển mạnh với quy mô lớn ở một số địa phương, điển hình là Lâm Đồng. Tại địa phương này, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong trồng rau, hoa, quả trong nhà lưới, nhà nilong; nhân giống nuôi cấy mô; các công nghệ tưới tự động;… đã thành phương thức sản xuất phổ biến của người nông dân. Cũng tại Đà Lạt - Lâm Đồng hiện đã có trên 50 hộ đầu tư và vận hành rất thành công cơ sở nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô- một công nghệ mà cách đây 10 - 15 năm người ta nghĩ chỉ có thể thực hiện ở các cơ sở nghiên cứu.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh được đánh giá cao bởi việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp đã đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh có diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1 lớn nhất cả nước. Các cơ sở sản xuất hạt lúa lai F1 tại các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa hàng năm đã triển khai sản xuất với quy mô 500 - 700 ha, sản lượng hàng năm 750 - 900 tấn, đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu hạt giống lúa lai F1 cho sản xuất đại trà của tỉnh, góp phần nâng cao năng suất lúa, ổn định sản lượng lương thực trên địa bàn.
Mặc dù việc ứng dụng CNC trong địa bàn nông thôn, miền núi của một số địa phương đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải thì cần tập trung phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp theo các hướng chủ yếu như: Ứng dụng những công nghệ có hàm lượng tri thức cao đến địa bàn nông thôn miền núi; Những công nghệ ứng dụng vào địa bàn nông thôn miền núi phải có tính năng vượt trội so với công nghệ thông thường, góp phần tạo nên sự đột phá trong chất lượng, hiệu quả và tạo nên giá trị gia tăng lớn nhằm đem lại sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt, với những công nghệ chuyển giao đến những địa bàn khu vực nông thôn miền núi cần chú ý yếu tổ phù hợp, dễ tiếp thu, ứng dụng phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương.