Đây là nhiệm vụ được Bộ KH&CN phê duyệt, do TS. Nguyễn Hùng Cường làm chủ nhiệm; Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp là Cơ quan chủ trì. Đề tài thực hiện với các mục tiêu chính là: (1) Xây dựng được bộ chỉ thị sinh học cho đánh giá và giám sát chất lượng đất trong canh tác nông nghiệp bền vững vùng Đồng Tháp Mười; (2) Xác định được mối quan hệ giữa chỉ thị sinh học với những tính chất vật lý và hóa học đất ứng với các điều kiện canh tác nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười; (3) Xây dựng được mô hình thử nghiệm và giải pháp ứng dụng bộ chỉ thị sinh học trong đánh giá, giám sát và quản lý chất lượng đất phục vụ canh tác nông nghiệp bền vững vùng Đồng Tháp Mười.
Báo cáo tại Phiên họp, TS. Nguyễn Hùng Cường cho biết, phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng luôn được Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, Đồng Tháp Mười là vùng có diện tích lớn khoảng 730.000 ha, bao gồm 22 huyện/thị/thành phố thuộc 03 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, có cùng điều kiện sinh thái và kinh tế - xã hội. Đây là tiểu vùng trũng, đất chua phèn, có tính đa dạng sinh học cao và đặc trưng của lưu vực sông Mekong. Tiểu vùng có 02 trong 08 khu Ramsar của Việt Nam. Sinh thái ở đây rất “nhạy cảm” với thay đổi môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội, 77% đất nông nghiệp dành cho đất trồng lúa. Trong ba thập niên qua, tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển sản xuất lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo quốc gia, là khu vực có tốc độ tăng trưởng về diện tích gieo trồng và sản lượng lúa cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nơi đây còn sản xuất nhiều loại nông sản đặc trưng khác như trái cây, rau màu và thủy sản nước ngọt có lợi thế so sánh. Thực trạng này đặt ra cho khu vực cần có những hoạt động cụ thể hướng đến canh tác nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với canh tác nông nghiệp.
Chỉ thị sinh học là những đối tượng sinh vật có yêu cầu nhất định về điều kiện sinh thái liên quan nhu cầu dinh dưỡng, hàm lượng oxy, cũng như khả năng chống chịu một hàm lượng nhất định các yếu tố độc hại trong môi trường sống và do đó sự hiện diện của chúng biểu thị tình trạng về điều kiện sinh thái của môi trường sống nằm trong giới hạn nhu cầu và khả năng chống chịu của đối tượng sinh vật đó hay sinh vật sống dễ dàng với các kích thích bên trong (đất) thông qua những thay đổi ở cấp độ sinh vật. Nghiên cứu hệ thống sinh vật chỉ thị của đất kết hợp với việc xác định tính chất lý hóa học của đất nhằm mục đích đưa ra cách nhìn tổng hợp, toàn diện về hiện trạng của hệ sinh thái đất trong mối liên quan chặt chẽ tới nhiều chức năng sức khỏe của đất như: khoáng hóa, tính năng sản xuất, chu trình dinh dưỡng, khả năng cung cấp thức ăn khoáng cho cây trồng, giám sát, đánh giá chất lượng đất.
TS. Nguyễn Hùng Cường thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ.
Sau thời gian nghiên cứu và triển khai các nội dung, nhiệm vụ đã thu được những kết quả đáng ghi nhận như: (1) Xây dựng được bộ chỉ thị sinh học cho giám sát, đánh giá chất lượng đất trong canh tác nông nghiệp bền vững vùng Đồng Tháp Mười; (2) Mô hình thử nghiệm canh tác lúa vùng phèn mặn (quy mô 1000m2) có sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng bộ chỉ thị sinh học trong đánh giá và giám sát chất lượng đất phục vụ canh tác nông nghiệp bền vững vùng Đồng Tháp Mười; (3) Nghiên cứu xây dựng mô hình thử nghiệm chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long (quy mô 1000m2) có sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng bộ chỉ thị sinh học trong đánh giá và giám sát chất lượng đất phục vụ canh tác nông nghiệp bền vững vùng Đồng Tháp Mười; (4) Báo cáo cơ sở lý luận và thực tiễn đánh giá, giám sát chất lượng đất bằng bộ chỉ thị sinh học đất phục vụ canh tác nông nghiệp bền vững; (5) Báo cáo xác lập mối quan hệ giữa chỉ thị sinh học với tính chất vật lý và hóa học đất ứng với các điều kiện canh tác nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười (6) Báo cáo đề xuất giải pháp ứng dụng bộ chỉ thị sinh học trong quản lý chất lượng đất phục vụ canh tác nông nghiệp bền vững vùng Đồng Tháp Mười; (7) Bộ cơ sở dữ liệu dạng số các số liệu điều tra cập nhật, hệ thống bản đồ và các báo cáo nghiên cứu; (8) Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài, 01 công bố quốc tế và 03 công bố trong nước.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và Cơ quản chủ trì. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý và chỉnh sửa phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.
Để có cơ sở đánh giá, giám sát chất lượng đất của vùng Đồng Tháp Mười phục canh tác nông nghiệp bền vững thông qua các biểu hiện của chỉ thị sinh học đất, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 183/QĐ-BKHCN ngày 01/02/2021, về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức khoán chi và thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2021 (thuộc Chương trình 562 lĩnh vực Khoa học Trái đất), trong đó có Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị sinh học đánh giá chất lượng đất phục vụ canh tác nông nghiệp bền vững vùng Đồng Tháp Mười”.