Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái tại Hội thảo Hướng dẫn triển khai Chương trình phát triển SPQG đến năm 2030 (Chương trình) do Bộ KH&CN tổ chức ngày 16/8/2024, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hình thành các sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến
Ngày 31/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển SPQG đến năm 2020 (Quyết định số 2441/QĐ-TTg) với mục tiêu “Hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước; tăng cường chuyển giao công nghệ, tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ vào các ngành kinh tế - kỹ thuật, công nghiệp then chốt; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tiềm lực công nghệ quốc gia”. Chương trình phát triển SPQG giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục gồm 18 SPQG. Bộ KH&CN và các Bộ chủ quản đã tổ chức triển khai phát triển 13/18 sản phẩm.
Chương trình đã hình thành phát triển các sản phẩm của Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có quy mô lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Các SPQG thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp đều là mặt hàng chủ lực đóng góp lớn cho xuất khẩu và có thị phần tiêu dùng lớn trong nước. Các sản phẩm thuộc nhóm công nghiệp (thiết bị nâng hạ siêu trường siêu trọng, giàn khoan dầu khí di động...) là những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế (vắc-xin) đều là những sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động sản xuất được trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, Chương trình phát triển SPQG triển khai bước đầu đã đạt một số kết quả nhất định, tiêu biểu như sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đã tập trung nghiên cứu tạo giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng được gói kỹ thuật thâm canh trong đó giảm 50% nhu cầu hạt giống nhưng vẫn đảm bảo năng suất đã mang lại doanh thu gián tiếp 1.500 tỷ đồng/năm; Sản phẩm giàn khoan dầu khí di động, giúp doanh nghiệp tham gia giảm được chi phí đầu tư so với nhập khẩu từ 10-15% (khoảng 23 triệu USD). Các kết quả này có tính lan tỏa và tác động tích cực trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ, thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu khai mạc Hội thảo.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, ngày 01/02/2021 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 157/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển SPQG đến năm 2030 với mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, phát triển các SPQG nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của SPQG tại thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hình thành và phát triển tối thiểu 10 SPQG mới; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các SPQG đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển SPQG đến năm 2020.
Triển khai Chương trình giai đoạn đến năm 2030, Bộ KH&CN đã xây dựng, ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN ngày 12/6/2024 quy định quản lý Chương trình phát triển SPQG đến năm 2030. Thứ trưởng Trần Hồng Thái đã gợi mở các nội dung để Hội nghị trao đổi, thảo luận.
Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ nhiệm Chương trình SPQG đến năm 2030 cho biết, có 3 SPQG thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh do tính chất đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp quốc gia nên sẽ do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm. Hiện có 8 SPQG trong Chương trình phát triển SPQG đến năm 2020 được Chính phủ cho phép chuyển sang giai đoạn 2021-2030 để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, ổn định chất lượng, nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất theo mục tiêu đã phê duyệt gồm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, sâm, lúa gạo chất lượng cao, nấm ăn và nấm dược liệu, cà phê chất lượng cao, cá da trơn chất lượng cao và các sản phẩm từ cá da trơn, tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng), vi mạch điện tử.
Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ nhiệm Chương trình phát triển SPQG đến năm 2030 phát biểu tại Hội thảo.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia
Ông Nguyễn Phú Hùng - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết, SPQG được lựa chọn đáp ứng các yêu cầu gồm: sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động lan tỏa, tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng an ninh; phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực. Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật đã hướng dẫn cụ thể quy trình cũng như các văn bản liên quan đến đề xuất, xét duyệt và triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
Ông Nguyễn Phú Hùng - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật hướng dẫn quy định quản lý Chương trình SPQG.
Về cơ chế tài chính để triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển SPQG, ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đã giới thiệu chi tiết các văn bản liên quan như Thông tư số 03/2023/TT-BTC và Thông tư 02/2023/TT-BKHCN và các quy định tài chính đặc thù.
Ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính trình bày tham luận Cơ chế tài chính để triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình SPQG.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận nội dung liên quan đến các quy định quản lý Chương trình, quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; cơ chế tài chính đối với SPQG đề xuất các SPQG mới có thể tham gia Chương trình; những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay và triển khai có hiệu quả Chương trình trong giai đoạn mới; tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý của địa phương với cơ quan quản lý của Bộ KH&CN, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển SPQG thuộc Chương trình; thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng, SPQG có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; có ý nghĩa lớn đối với ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức khi thực hiện Chương trình như phải chịu áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu và biến đổi khí hậu. Ông cho biết, ThaiBinh Seed đã tham gia chương trình SPQG trong giai đoạn 2020-2021. Từ việc triển khai các nhiệm vụ, trình độ quản lý công nghệ, nghiên cứu ứng dụng của công ty được nâng lên rõ rệt. Ông Báo đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình; cần có phương án tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, cho các doanh nghiệp đã tham gia từ trước được tiếp tục phát triển sản phẩm ở giai đoạn tiếp theo.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed phát biểu tham luận.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, đại diện Tập đoàn Viettel đề nghị Chương trình bổ sung các sản phẩm mang tính cốt lõi, nền tảng liên quan đến vũ trụ, bán dẫn, năng lượng mới.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN đã trao đổi, cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề đại biểu trao đổi, đề xuất, kiến nghị.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN điều hành phần trao đổi, thảo luận.