Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi và các đại biểu tham dự Sự kiện bên lề “Hybrid RoH”.
Ở các nước có thu nhập cao, hầu hết tất cả các bệnh nhân ung thư đều được tiếp cận với việc điều trị bằng phương pháp xạ trị - một phương pháp hiệu quả sử dụng công nghệ bức xạ tiên tiến. Trong khi đó ở các nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ này vào khoảng gần 60% và đối với các nước có thu nhập thấp tỷ lệ này chỉ vào khoảng 10%. Chính vì vậy, IAEA đã phát động Sáng kiến Những tia hy vọng nhằm mục tiêu cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe ung thư toàn cầu bằng cách hỗ trợ thành lập cơ sở và mở rộng triển khai ứng dụng chẩn đoán, điều trị xạ trị ung thư trên toàn thế giới. Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đồng IAEA lần thứ 67 năm nay, Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi đã nhấn mạnh: “Mỗi sự qua đời của một cá nhân là một bi kịch. Trên thực tế, các bệnh ung thư đang được chẩn đoán thường xuyên và điều trị hiệu quả ở các nước thu nhập cao. Trong khi căn bệnh này đang ngày càng lấy đi sinh mạng của nhiều người ở các nước đang phát triển. Đây là điều không công bằng”.
“Những tia hy vọng” là một trong số những sáng kiến nổi bật của IAEA về ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân với mục đích hỗ trợ các quốc gia thành viên cải thiện khả năng tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Sáng kiến chính thức được phát động vào Ngày Ung thư thế giới năm 2022 với sự tham gia của 07 quốc gia thuộc “làn sóng đầu tiên” gồm: Benin, Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Malawi, Niger và Senegal - là các quốc gia đều đang phải đối mặt với gánh nặng của bệnh ung thư và không có đủ khả năng tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và điều trị xạ trị giống như hầu hết các nước đang phát triển khác. Đến nay, đã có thêm 67 quốc gia thành viên đề nghị được tham gia các hoạt động của Sáng kiến.
Kể từ khi được phát động, Sáng kiến đã có tác động mạnh mẽ đến tình hình chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ung thư trên toàn cầu. Các quốc gia thuộc “làn sóng đầu tiên” trong chương trình của Sáng kiến đã cho thấy những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng xạ trị trong điều trị bệnh ung thư thông qua việc họ đã nhận được nhiều loại máy chẩn đoán hình ảnh và xạ trị quan trọng, cũng như nhận được sự hỗ trợ đào tạo các chuyên gia y tế để sử dụng thiết bị và cung cấp các dịch vụ chẩn đoán và điều trị an toàn, hiệu quả.
Những hoạt động của Sáng kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn nữa với sự ra đời của một loạt các Trung tâm Anchor - đây là các trung tâm mỏ neo có vai trò đầu tàu hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng lực của các nước trong khu vực về chăm sóc sức khỏe ung thư. Tại Sự kiện, 05 Trung tâm Anchor chính thức được công bố thành lập, bao gồm: Trung tâm Bệnh viện Đại học Bab El-Oued và Trung tâm Ung thư Pierre và Marie Curie (Algeria); Trung tâm Ung thư King Hussein (Jordan); Viện Ung thư Quốc gia (Morocco); Bệnh viện Ung thư năng lượng nguyên tử, Viện Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân (Pakistan); và Khoa Y học, Đại học Ege (Thổ Nhĩ Kỳ). Các Trung tâm Anchor mới này là những cơ sở y tế hàng đầu trong khu vực về điều trị ung thư với bề dày kinh nghiệm tham gia các dự án nghiên cứu, chương trình bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn trong sự phối hợp với IAEA.
Tại Sự kiện, các đại biểu tham dự cũng đã được nghe báo cáo tài chính liên quan đến sự kêu gọi tài trợ của Sáng kiến, trong đó 42 triệu Euro là khoản tài trợ của các quốc gia đóng góp cho các hoạt động của Sáng kiến bao gồm: Úc, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Monaco, Liên bang Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hoa Kỳ. Ngoài ra, nhiều nhà tài trợ và tổ chức khác cũng đã thể hiện sự quan tâm với khoản tài trợ lên tới 710.000 Euro và một số hỗ trợ bằng hiện vật khác. Trong đó, Công ty Elekta (Thụy Điển) đã công bố gói tài trợ bổ sung bằng hiện vật là các vật tư trang thiết bị tiên tiến hỗ trợ cho các Trung tâm Anchor phục vụ điều trị cho các bệnh nhân ung thư.
Thông qua Sự kiện, các đại biểu tham dự đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về vai trò và trách nhiệm của quốc gia trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà cụ thể là đối với gánh nặng của bệnh ung thư. Để làm được điều đó cần có sự phối hợp, chung tay hỗ trợ giữa các quốc gia, tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò của IAEA với Sáng kiến Những tia hy vọng rất thiết thực và ý nghĩa./.