Thứ sáu, 07/10/2022 18:52 GMT+7

Chỉ số GII 2022: Việt Nam nằm trong top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế cùng mức thu nhập

Chiều ngày 03/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo công bố, giới thiệu Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2022 và kết quả của Việt Nam.

Trước đó, ngày 29/9/2022 tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới đã công bố Chỉ số Đổi mới toàn cầu 2022. Theo GII 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia từ Tổ chức WIPO; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); đại diện các bộ, cơ quan, địa phương được giao chủ trì cải thiện chỉ số GII và đại diện một số Sở Khoa học và công nghệ địa phương.
 

Toàn cảnh Hội thảo từ đầu cầu Hà Nội.

Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số thành phần
 

Ông Hoàng Minh – Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chỉ số GII dùng để đo lường, đánh giá, xếp hạng kết quả ĐMST quốc gia gồm 2 cấu phần lớn là Đầu vào ĐMST với 5 trụ cột và Đầu ra ĐMST với 2 trụ cột, tổng cộng có 7 trụ cột. Mỗi trụ cột GII được cấu thành từ 3 nhóm chỉ số, mỗi nhóm có 3-5 chỉ số thành phần, tất cả có 21 nhóm chỉ số được cấu thành từ khoảng 80-82 chỉ số thành phần (điều chỉnh theo từng năm). Nhiều quốc gia đang sử dụng GII như công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST cũng như để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp thông tin về kết quả Chỉ số GII của Việt Nam năm 2022; các điều chỉnh về chỉ số, phương pháp luận, ý nghĩa của chỉ số và các vấn đề đặt ra. Từ đó, các bộ, cơ quan, địa phương hiểu rõ hơn về Chỉ số GII năm 2022 để tiếp tục xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt mục tiêu như Chính phủ đã đặt ra và phân công cho các bộ, cơ quan và địa phương.

GII chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề còn tồn tại, cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia. Từ đó, các quốc gia có điều chỉnh cũng như có các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST. Bộ chỉ số GII năm 2022 có sự thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - chính trị thế giới.

Từ năm 2012 tới nay, năm 2022 là năm WIPO có điều chỉnh lớn nhất cả về phương pháp tính toán và chỉ số thành phần của GII. Cụ thể, trong 81 chỉ số, WIPO đã thay đổi phương pháp tính toán cho 3 chỉ số, bổ sung 7 chỉ số, loại bỏ 7 chỉ số, thay đổi nguồn dữ liệu của 1 chỉ số. WIPO nhấn mạnh những điều chỉnh này ảnh hưởng đến việc so sánh thứ hạng giữa các năm của từng quốc gia.

Trong Báo cáo GII 2022, GII của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia (năm 2021 xếp thứ 44). Năm nay, có 36 quốc gia/nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng (tăng 2 quốc gia so với năm 2021), Việt Nam đứng thứ 2, sau Ấn Độ (năm 2021 Việt Nam đứng thứ nhất trong 34 quốc gia/nền kinh tế). Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 như năm 2021 (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan).

Một số chỉ số đã có cải thiện đáng chú ý như trụ cột Thể chế tăng 32 bậc, từ thứ hạng 83 năm 2021 lên 51 năm 2022; nhóm chỉ số Liên kết đổi mới sáng tạo tăng 10 bậc, từ thứ hạng 58 năm 2021 lên 48 năm 2022 (trước đó năm 2021 đã tăng 17 bậc từ thứ hạng 75 năm 2020 lên 58 năm 2021); trụ cột Sản phẩm sáng tạo tăng 7 bậc, từ thứ hạng 42 năm 2021 lên 35 năm 2022;…

Một số chỉ số chưa được cải thiện là nhóm chỉ số về Giáo dục đại học xếp hạng 90, nhóm chỉ số bền vững sinh thái xếp hạng 113, giảm 18 bậc so với năm 2021; nhóm chỉ số Lao động có kiến thức xếp hạng 68, giảm 2 bậc so với năm 2021; nhập khẩu và xuất khẩu ICT (trên tổng giao dịch thương mại) chưa được cải thiện, tiếp tục giảm và ở thứ hạng thấp (xếp hạng 120 và 130).

Tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo
 

Các chuyên gia và các đại biểu tại Hội thảo. 

Ông Marco M. Aleman - Trưởng cơ quan hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, Trợ lý, Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO cho biết, GII được thiết kế làm công cụ hoạch định chính sách ĐMST cho các quốc gia trên thế giới. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về ĐMST trong 12 năm liền. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm ĐMST riêng của quốc gia mình. Những sáng kiến, tốc độ vượt bậc này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy ĐMST và tăng trưởng kinh tế - xã hội. WIPO sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giúp ĐMST là một yếu tố thúc đẩy tạo công ăn việc làm và tăng trưởng. 
 

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) phát biểu tại Hội thảo.

Bà Lê Thị Tuyết Mai – Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, trong cuộc họp của Tổng Giám đốc WIPO với các Đại sứ các nước tại Geneva để thông báo về Báo cáo xếp hạng GII, WIPO cho rằng, thành tích về ĐMST của Việt Nam rất đáng tự hào, cao hơn so với mức độ tăng trưởng GDP và Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều kết quả đầu ra ĐMST so với mức độ đầu tư cho ĐMST.

Đánh giá của WIPO khẳng định kết quả về chỉ số GII của Việt Nam 2022 là kết quả của những nỗ lực to lớn của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các cấp bộ ngành, đặc biệt là Bộ KH&CN dù có nhiều khó khăn, thách thức. Việc tiếp tục giữ vững vị trí của Việt Nam về ĐMST trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về ĐMST từ 2017 đến nay cho thấy chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã được chuyển thành hành động cụ thể của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc cải thiện năng lực ĐMST của Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ.

Theo Đại sứ, Báo cáo GII của WIPO cũng ghi nhận các quốc gia đã cải thiện về GII trong những năm qua như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Việt Nam với nhiều lý do khác nhau như phát huy chính sách về công nghiệp, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy ĐMST, phát triển năng lực công nghệ trong nước, trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 

Ông Sacha Wunsch - Vincent – Chuyên gia cao cấp của WIPO phát biểu tại Hội thảo.

Ông Sacha Wunsch - Vincent – Chuyên gia cao cấp của WIPO cho biết, Việt Nam có sự nổi trội trong số các quốc gia mà WIPO có hợp tác. Việt Nam đang tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. WIPO đánh giá Việt Nam có thể hướng tới nhóm 40 quốc gia/nền kinh tế hàng đầu về GII. Tuy nhiên, ông Sacha Wunsch – Vincent nhấn mạnh, Việt Nam cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm nâng cao chỉ số, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và cho rằng kết quả Chỉ số GII 2022 là động lực để thay đổi, cải cách, khắc phục các điểm yếu của hiện tại trong thời gian tới./.

Nguồn: Trung tâm NC&PT Truyền thông KH&CN; Học viện KH,CN&ĐMST

Lượt xem: 12993

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)