Đoàn Chủ tịch của Hội nghị
Tham dự hội nghị có các nhà khoa học hàng đầu thế giới về nghiên cứu quang học quang phổ: Prof. Marek Trippenback (Đại học Tổng hợp Warsaw, Balan); Prof. Farbrice Valllée (Đại học Tổng hợp Lyon, Cộng hoà Pháp); Pino Thomas (Viện Khoa học Phân tử Orsay, Cộng hoà Pháp); Prof. Ryuji Katayama (Đại học Osaka, Nhật Bản),... Sự hội tụ của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về nghiên cứu quang học quang phổ chính là cơ hội để giới khoa học cùng nhau nhìn lại tầm quan trọng, tính hiệu quả của các nghiên cứu cũng như có những chiến lược phát triển bền vững để đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng quang phổ.
Các nhà khoa học Vật lý là người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài như: GS. Nguyễn Hải Sơn (Đại học Claude Bernard Lyon 1, Cộng hoà Pháp); GS. Đặng Cường (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore); GS. Diệp Ngọc Lai, GS. Hà Thị Minh Hường (Đại học Paris Saclay); GS. Cao Long Vân (Balan), GS. Đào Văn Lập (Úc)...; các nhà khoa học Việt Nam như: GS.TS. Nguyễn Huy Bằng (Đại học Vinh); PGS.TS. Mai Hồng Hạnh (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)... đến hội thảo trình bày tham luận ngoài mang theo những kiến thức, tri thức của thời đại mới có ý nghĩa về mặt học thuật còn hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo, nghiên cứu trong nước. Hội nghị quốc tế lần này là một nấc thang mới trong định hướng nghiên cứu, đào tạo của các nhà khoa học trong nước trong tiến trình hội nhập với trình độ khoa học của thế giới.
Hội nghị Quốc tế về Quang phổ và Ứng dụng là cơ hội để các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu về quang phổ như quang phổ của các vật liệu nano, thông tin lượng tử, quang phổ trong sinh học, quang phổ trong dược học, quang phổ ứng dụng trong môi trường, quang phổ trong khảo cổ và nhiệt huỳnh quang, quang trắc học và các phát triển mới của thiết bị quang học,... đồng thời cũng là cơ hội để các nghiên cứu sinh ngành Vật lý Quang phổ có thể hiểu và tiếp cận với các lĩnh vực trên. Những công trình nghiên cứu mới nhất, những vấn đề mới phát hiện đang nhận được sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế cũng được giới thiệu tại hội nghị.
GS. TS. Nguyễn Đại Hưng, Chủ tịch Hội nghị đánh giá cao việc tổ chức hội nghị khi những nghiên cứu và ứng dụng quang phổ trong nhiều ngành nghề có tác động nhất định đến cuộc sống của con người. Việc tổ chức hội nghị lần này trong khuôn khổ Chương trình Phát triển vật lý giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1187) vô cùng có ý nghĩa khi đã tạo ra sự kết nối quan trọng giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học quốc tế, đồng thời giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam được giao lưu và chia sẻ những ý tưởng mới, những phương pháp nghiên cứu mới với các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Phần lớn các báo cáo nghiên cứu tại hội nghị có chất lượng cao với phạm vi ứng dụng thực tiễn khá rộng.
Những cơ hội hợp tác về đào tạo - nghiên cứu mở ra sau hội nghị chính là thành công lớn góp phần thúc đẩy nghiên cứu quang phổ và các ngành khoa học khác phát triển.
Ảnh: Các đại biểu Việt Nam và quốc tế tham gia hội nghị
MỤC ĐÍCH CỦA HỘI NGHỊ
1. Đây là hoạt động khoa học toàn quốc về Quang học Quang phổ được tổ chức 02 năm một lần. Tại hội nghị, các nhà khoa học sẽ báo cáo các kết quả và thông tin mới nhất về những nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực quang học, quang phổ ở trong nước và quốc tế.
2. Thông qua hội nghị tăng cường trao đổi và giao lưu khoa học trong nước và quốc tế, giữa các vùng miền, giữa các cơ quan nghiên cứu và đào tạo, giữa các nhà nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ với nhau và với sinh viên.
3. Thúc đẩy việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quang học, quang phổ, quang tử và laser vào trong đời sống thực tiễn. Mở rộng các hợp tác nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ cũng như đào tạo.
CÁC CHỦ ĐỀ KHOA HỌC CỦA HỘI NGHỊ
- Quang học, Quang phổ và Laser;
- Quang tử (quang tử nano, linh kiện, thiết bị, vật liệu, mô hình hoá...);
- Quang học vật rắn và vật liệu có cấu trúc nano;
- Các ứng dụng quang học, quang phổ và laser;
- Các thiết bị và linh kiện quang học, quang tử;
- Quang học phi tuyến...
|