Tham dự Cuộc họp, về phía IAEA có các chuyên gia quản lý dự án hợp tác kỹ thuật thuộc Vụ Châu Á - Thái Bình Dương/TCAP, Ban Hợp tác kỹ thuật: Ông Gashaw Gebeyehu Wolde, Trưởng nhóm phụ trách TCAP1; bà Petra Salame, Quản lý chương trình và một số chuyên gia kỹ thuật của IAEA. Về phía Việt Nam, có bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử, Cán bộ điều phối quốc gia (NLO) về hợp tác kỹ thuật với IAEA; ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cùng một số cán bộ của các đơn vị năng lượng nguyên tử thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các đại biểu tham dự Cuộc họp.
Mục đích của Cuộc họp nhằm thảo luận về các hoạt động hợp tác kỹ thuật giữa IAEA và Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023 cũng như thiết kế các dự án giai đoạn 2024-2025.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Gashaw Wolde khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của IAEA, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của NLO và các chủ dự án Việt Nam đã tích cực phối hợp với IAEA trong năm qua để triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật. Ông chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp Bộ trưởng lần đầu tiên trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác vùng Châu Á - Thái Bình Dương về Nghiên cứu, phát triển và đào tạo liên quan đến khoa học và công nghệ hạt nhân (RCA). Trong khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam – IAEA – Lào/Campuchia, ông đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam hỗ trợ Lào và Campuchia. Ông vui mừng khi các bên đã ký kết gia hạn Thỏa thuận cho giai đoạn 5 năm tới trong khuôn khổ Đại hội đồng IAEA lần thứ 66, đồng thời khẳng định IAEA sẽ tiếp tục ủng hộ các bên để triển khai mô hình hợp tác ba bên đang phát huy hiệu quả hiện nay.
Thay mặt cho đoàn Việt Nam, bà Trần Bích Ngọc khẳng định sự hợp tác và hỗ trợ của IAEA thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật đóng vai trò quan trọng, giúp Việt Nam đạt được những thành tựu trong ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng an toàn bức xạ và hạt nhân.
Bà Trần Bích Ngọc phát biểu tại Cuộc họp.
Tháng 3/2022, Việt Nam và IAEA đã ký kết Khung Chương trình Quốc gia (CPF) giai đoạn 2022-2027. Trong các năm 2022-2023, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện 06 dự án hợp tác kỹ thuật. Hiện nay, hai bên đang phối hợp xây dựng thiết kế chi tiết cho 06 dự án giai đoạn 2024-2025.
Cũng trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật, Việt Nam đã cùng với Lào và Campuchia triển khai Thỏa thuận dàn xếp được ký vào năm 2019 nhằm đẩy mạnh sự đóng góp và nguồn lực từ Việt Nam để hỗ trợ thực hiện chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA và hỗ trợ hai nước láng giềng. Kể từ khi dịch Covid-19 lắng xuống, hai bên đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như đào tạo, hội thảo, thực tập, tổ chức các đoàn chuyên gia của Việt Nam sang làm việc với các cơ quan của Lào và Campuchia xây dựng kế hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử. Với việc ký kết gia hạn Thỏa thuận hợp tác ba bên, bà Trần Bích Ngọc hy vọng từ kinh nghiệm triển khai thỏa thuận trong thời gian qua, nhiều kết quả tốt đẹp sẽ đạt được trong giai đoạn mới.
Tại cuộc họp, bà Petra Salame, Quản lý chương trình hợp tác kỹ thuật đã đánh giá tình hình triển khai các dự án trong giai đoạn vừa qua. Bà khẳng định các dự án quốc gia của Việt Nam phù hợp với Khung chương trình quốc gia hai bên đã ký kết. Đến nay, IAEA đã giải ngân được 67% tổng số vốn cấp cho 06 dự án thực hiện trong giai đoạn 2022-2023 và đang tiến hành đánh giá thiết kế chi tiết cho 06 dự án giai đoạn 2024-2025. Bên cạnh những kết quả và thuận lợi, bà cũng nêu bật một số khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, trong đó có nguyên nhân khách quan từ tình hình thay đổi sau dịch Covid-19 tác động đến mục tiêu của dự án cũng như những vướng mắc từ các thủ tục hành chính từ hai bên trong vấn đề đài thọ và tiếp nhận thiết bị. Bà cũng mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến của IAEA, trong đó có sáng kiến ứng dụng kỹ thuật hạt nhân chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC), xử lý rác thải nhựa đại dương (Nutech Plastics) và sáng kiến Những tia hy vọng (Rays of Hope) nhằm hỗ trợ các quốc gia chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.
Tại phiên thảo luận, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của IAEA đối với Viện để thực hiện dự án về thúc đẩy chương trình phát triển an toàn lò phản ứng, đồng thời mong muốn IAEA tiếp tục hỗ trợ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thực hiện dự án nâng cao năng lực quốc gia trong thiết kế và phân tích an toàn lò phản ứng nghiên cứu mới cho giai đoạn tới. Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân gửi lời cảm ơn và khẳng định IAEA đã tích cực hỗ trợ Cục triển khai các dự án quốc gia và các hoạt động thuộc khuôn khổ hợp tác ba bên, mong muốn IAEA sẽ sớm tiến hành các thủ tục tiếp nhận các cán bộ của Cục tham gia các khóa thực tập ngắn hạn, tham quan khoa học trong thời gian tới.