Thứ năm, 06/10/2022 07:25 GMT+7

Hội thảo khu vực về tăng cường phổ biến Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Bản sửa đổi

Từ 04-07/10/2022, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo khu vực về tăng cường phổ biến Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Bản sửa đổi. PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.


Tham dự Hội thảo, có các chuyên gia IAEA thuộc Phòng An ninh hạt nhân và Văn phòng pháp luật; chuyên gia một số tổ chức quốc tế và đại biểu của các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Bhutan, Brunei, Căm pu chia, Lào, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Sri Lanka, Tuvalu và Việt Nam.

Mục đích của Hội thảo nhằm thúc đẩy việc gia nhập Phần sửa đổi của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; hỗ trợ việc thực thi Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) và Bản sửa đổi thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải cho biết, an toàn và an ninh hạt nhân là một trong những mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế và rất cần có nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trên thế giới đối với vấn đề này. Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) và Bản sửa đổi là một trong những công cụ pháp lý quốc tế thể hiện nỗ lực đó.

Sau khi trở thành thành viên của CPPNM (2012) và phê chuẩn Bản sửa đổi (2016), Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thiết lập và thực hiện hiệu quả cơ chế an ninh hạt nhân quốc gia, góp phần đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ quốc tế theo Công ước và các văn kiện liên quan khác như Công ước quốc tế về triệt tiêu hành động khủng bố hạt nhân và các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Nghị quyết 1373 về chống khủng bố, Nghị quyết 1540 về ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt).

Cục trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác với IAEA và các tổ chức quốc tế, qua đó Việt Nam đã từng bước tổ chức và xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh hạt nhân, đảm bảo cam kết sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Các hoạt động hợp tác đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với buôn bán trái phép, vận chuyển trái phép, trộm cắp và chuyển hướng vật liệu hạt nhân cho các mục đích phá hoại.

Cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn, Hội thảo này là cơ hội tốt để trao đổi thông tin và kinh nghiệm về việc tuân thủ và thực hiện CPPNM và Bản sửa đổi từ các khía cạnh khác nhau, điều này sẽ là một đóng góp có giá trị cho nỗ lực phổ biến Công ước một cách phù hợp.
 


Hội thảo sẽ thảo luận về một số nội dung chính sau:

- Khuôn khổ pháp lý quốc tế về An ninh hạt nhân;

- Hiện trạng và quan điểm của các quốc gia trong khu vực về việc gia nhập cũng như thực thi Bản sửa đổi;

- Tầm quan trọng và lợi ích của việc gia nhập và thực thi đầy đủ CPPNM và Bản sửa đổi và các công cụ pháp lý quốc tế khác trong lĩnh vực an ninh hạt nhân;

- Chia sẻ kinh nghiệm trong việc gia nhập và triển khai CPPNM và Bản sửa đổi;

- Các khó khăn/thách thức đối với việc gia nhập và hỗ trợ kỹ thuật của IAEA cho các quốc gia thành viên trong việc gia nhập CPPNM và Bản sửa đổi cũng như một số công cụ pháp lý quốc tế khác.

 

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 1346

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)