Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022 có nhiều nội dung mới cần lưu tâm đối với công tác quản trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Với lý do đó, trong khuôn khổ hợp tác lâu năm về sở hữu trí tuệ (SHTT) giữa Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) và các cơ quan về SHTT của Nhật Bản, gồm: Cơ quan xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Mạng lưới Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Đông Nam Á (SEAIPJ), Trung tâm Quốc gia về đào tạo và thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản (INPIT), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), buổi Tọa đàm trao đổi trực tiếp kết hợp trực tuyến về Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 dành cho hơn 20 tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đã diễn ra tại trụ sở của VIPRI tại Hà Nội.
Tham dự Tọa đàm còn có ông Matsumoto Izumi, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản, ông Fushimoto Masanori - Trưởng ban, Giám đốc Điều hành phát triển Nguồn nhân lực của INPIT.
Toàn cảnh cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến giữa VIPRI – SEAIPJ - JICA (Ảnh chụp từ trụ sở VIPRI).
Tại buổi Tọa đàm, các bài giới thiệu về Nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 về cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và thực thi quyền sở hữu công nghiệp do ông Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Pháp chế-Chính sách (Cục Sở hữu trí tuệ) và bà Đỗ Thị Xuân Hương - Trưởng phòng Giám định-Định giá (VIPRI) trình bày đã phân tích lý do sửa đổi, bổ sung Luật và sự tác động tới các chủ thể cũng như đưa ra một số khuyến nghị dành cho các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản nhằm áp dụng đúng, thích ứng kịp thời với sự thay đổi này.
Tại phần tiếp theo của Tọa đàm, với mục đích giới thiệu một số vấn đề lý luận và thực tiễn khác về SHTT trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng VIPRI đã giới thiệu hai chủ đề “Động lực của nhà khoa học trong đăng ký, thương mại hóa sáng chế tại trường đại học và viện nghiên cứu” và “Sử dụng chứng cứ chuyên gia trong giải quyết tranh chấp và xử lý xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp”, bà Nguyễn Thị Minh Hằng - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (VIPRI) đã giới thiệu chủ đề “Các chỉ số về sở hữu trí tuệ đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức nghiên cứu và của doanh nghiệp”.
Các chủ đề nói trên đã nhận được sự đánh giá cao từ phía các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản tham dự Tọa đàm. Nhiều câu hỏi thảo luận, đặc biệt là về các quy định trong hoạt động thực thi quyền và giám định sở hữu công nghiệp đã được các đại biểu nêu lên và được giải đáp thỏa đáng.
Kết thúc Tọa đàm, đại diện của VIPRI, INPIT, SEAIPJ, JICA, JETRO ghi nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của việc chia sẻ, trao đổi chuyên môn về sở hữu trí tuệ cũng như bày tỏ mong muốn các cơ quan tiếp tục hợp tác trong thời gian tới trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực về SHTT.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm (Ảnh chụp từ trụ sở VIPRI)
Một số hình ảnh khác