VIDEX 2021 là hoạt động kinh tế - chính trị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1944 - 22/12/2021). Đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, mở rộng giao thương, kết nối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Theo Ban tổ chức, sự kiện nhằm khẳng định tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) quân sự, đóng góp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của quân đội; mở rộng cơ hội giao thương, thu hút đầu tư cho doanh nghiệp.
Nghi thức khai mạc VIDEX 2021
Từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0
Thượng tướng Vũ Hải Sản - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu là cơ hội và thách thức đối với mỗi quốc gia. Với thách thức của an ninh phi truyền thống, đặc biệt là sự tác động của Covid-19 hơn hai năm qua đã cho thấy chuyển đổi số là hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn; vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường trên không gian số, vừa góp phần phục hồi kinh tế; củng cố niềm tin chuyển đổi số là xu thế tất yếu.
Nhiều doanh nghiệp quân đội từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, đã và đang chuyển đổi số thành công, tạo bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ; góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế như Viettel, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam...
Bên cạnh việc sản xuất, sửa chữa, cải tiến, số hoá nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với Chiến lược quốc phòng và Nghệ thuật quân sự Việt Nam, công nghiệp quốc phòng đã liên kết chặt chẽ với công nghiệp quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế, kinh tế kết hợp với quốc phòng, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân luôn tích cực chung sức với các bộ, ban, ngành, chính quyền, nhân dân các địa phương tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và làm tốt công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người dân...
Thượng tướng Vũ Hải Sản nhấn mạnh, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, Triển lãm - Hội chợ trên không gian mạng “Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” là một trong những sự kiện quan trọng, tiên phong, đi đầu giới thiệu về tiềm lực KH&CN quân sự, công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và các đóng góp quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng, quốc phòng kết hợp kinh tế trên không gian mạng, thông qua nền tảng số.
“Với tư duy đổi mới, sáng tạo, dựa trên nền tảng KH&CN, Triển lãm - Hội chợ Kinh tế quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số sẽ là một sự kiện mang ý nghĩa lan toả sâu sắc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số của các đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, từng bước hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, Thượng tướng Vũ Hải Sản bày tỏ tin tưởng.
Thượng tướng Vũ Hải Sản - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Lễ khai mạc
Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam đặt ra yêu cầu đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn kết hài hòa hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế phương hướng nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế xã hội phấn đấu. Đây là nội dung thuộc nhóm nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu: đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản quản lý, định hướng, khuyến khích, hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực. Đối với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số theo mức độ, quy mô của doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: số hóa các hoạt động kinh doanh; số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Với loại hình doanh nghiệp công nghệ cao, Bộ KH&CN đảm nhiệm vai trò, đầu mối trong việc quản lý, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, với trọng tâm là hỗ trợ chuyên sâu về làm chủ, phát triển công nghệ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Lễ khai mạc
Trong khuôn khổ sự kiện VIDEX 2021, Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đơn vị trực thuộc Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN là đầu mối phối hợp triển khai các nội dung như: Hội thảo quốc tế “Phát triển công nghệ phụ trợ xe điện” với đối tác Hàn Quốc; Hội thảo quốc tế “Giải pháp công nghệ an ninh trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và dân sự” với đối tác Israel; Tổ chức và điều phối các gian hàng thực địa trưng bày giới thiệu các thiết bị, sản phẩm công nghệ mới, tiên tiến trong và ngoài nước; Tổ chức các chương trình B2B kết nối gần 50 doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc và Israel trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xe điện và an ninh quốc phòng.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ hy vọng thông qua VIDEX 2021, các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp sẽ có nhiều đề xuất và kiến nghị, cũng như hiểu rõ hơn và đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc huy động nguồn lực, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiến tới phát triển bền vững.
Ngay tại Lễ khai mạc, diễn ra các hoạt động triển lãm thành tựu tiêu biểu về khoa học công nghệ quân sự, kinh tế kết hợp quốc phòng; các gian hàng 2D, 3D trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; hoạt động giao thương, kết nối cung – cầu, trình diễn sản phẩm công nghệ phát trực tuyến trên không gian mạng. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội đã có một số thành tựu chuyển đổi số nhất định. Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe để phục vụ nhu cầu khác biệt mà còn mang trong mình sứ mệnh làm cho mọi người dân có cuộc sống tiện lợi hơn, tạo dựng dấu ấn và khẳng định bản thân theo cách của mình. Viettel tạo dựng một không gian trải nghiệm công nghệ, mô phỏng một xã hội số - nơi những công dân số là trung tâm những giải pháp của Viettel được áp dụng sâu rộng vào đời sống, thực hiện sứ mệnh tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số. Tại đây, mỗi người đều là những công dân số trải nghiệm hành trình từ khi sinh ra đến khi trưởng thành trong một xã hội số. Hệ sinh thái số được doanh nghiệp này giới thiệu ở nhiều lĩnh vực như y tế, gia đình, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính số, vận chuyển số, thương mại điện tử, hệ thống hạ tầng viễn thông...
Cùng với đó là Học viện Kỹ thuật Quân sự không ngừng chủ động, tích cực triển khai nhiều kế hoạch, chương trình phát triển theo mô hình trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế và khu vực. Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, bộ, ngành có hàm lượng khoa học cao; hàng nghìn sản phẩm KH&CN phục vụ quốc phòng và kinh tế. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trong thời gian ngắn, Học viện đã thiết kế, chế tạo và đưa rô bốt Vibot vào hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh trong các bệnh viện, cơ sở cách ly y tế...
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã trao nhà tình nghĩa, tri ân các gia đình chính sách có công với cách mạng tại nhiều địa phương, khu vực trong cả nước.
Lễ khai mạc có sự tham gia trực tuyến của các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành
Tăng cường tương tác, trải nghiệm công nghệ
Trong các ngày chính thức của VIDEX 2021 (từ ngày 14/12 đến ngày 17/12) sẽ diễn ra các cuộc hội thảo, giao thương trực tiếp và trực tuyến, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cho doanh nghiệp. Đồng thời sau đó, Ban tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối giao thương.
Các chương trình, hoạt động của VIDEX 2021 được tin tưởng mang tính tổng thể, thống nhất, xuyên suốt, phù hợp với mục tiêu, chủ đề đã xác định, qua đó tăng cường tương tác, trải nghiệm công nghệ hiện đại, truyền tải, tạo hiệu ứng tích cực, tác động tốt tới cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cũng như bạn bè quốc tế.
Với chủ đề “Kinh tế – quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số”, sự kiện gồm bốn phần chính, gồm: Triển lãm thành tựu tiêu biểu của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm quốc phòng – an ninh, trang bị khí tài hiện đại, sản phẩm khoa học, công nghệ… trên nền tảng trực tuyến thực tế ảo, với các gian hàng hai chiều (2D), ba chiều (3D) của các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức, Anh, Pháp, Mỹ…). Các chương trình hội thảo giao thương và kết nối cung – cầu công nghệ trực tuyến giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc phòng, cơ khí, điện tử, công nghệ cao… từ nhiều quốc gia. Trình diễn, giới thiệu công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; trình diễn công nghệ, giới thiệu sản phẩm tại một số điểm cầu thuộc các tỉnh, thành trong nước.
Hiện nay, doanh nghiệp quân đội có ngành nghề đa dạng. Các sản phẩm nổi bật của doanh nghiệp quân đội ở ngành cơ khí, hóa chất, điện, điện tử, dệt may, da giày, lâm sản, dược phẩm… đang từng bước thâm nhập vào thị trường quốc tế. Nhiều đơn vị đã bám sát nhu cầu thị trường, tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Trong đó, sản phẩm trong các lĩnh vực truyền thông, dệt may, cơ khí, đóng tàu… đang được xuất khẩu tại nhiều quốc gia.
Khác với các hội chợ truyền thống trên thực địa, Triển lãm - Hội chợ “Kinh tế – Quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” trên không gian mạng sẽ được diễn ra trên nền tảng số thông qua địa chỉ website https://videx.vn với quy mô hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Triển lãm trên thực địa diễn ra tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, số 266 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Khách mời tham quan sản phẩm của các đơn vị tham gia triển lãm – hội chợ