Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Cục Thông tin KH&CN quốc gia
Hội thảo được diễn ra nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên phạm vi toàn cầu trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ 4.0 và tạo điều kiện cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học và phát triển của Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn thông tin KH,CN&ĐMST của thế giới và các nguồn học bổng về nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU).
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chung của chuỗi sự kiện “Những ngày nghiên cứu và ĐMST EU-ASEAN 2021”, là sự kiện hàng năm của EURAXESS toàn cầu, nền tảng cho các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới, học viên và các nhà hoạt động từ khắp nơi trong khu vực ASEAN khám phá các cơ hội hợp tác và phát triển nghề nghiệp với các đối tác châu Âu. Sự kiện năm nay dành riêng cho chủ đề biến đổi khí hậu và ngoại giao khoa học.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng NASATI, cho biết: NASATI là cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động về thống kê KH,CN&ĐMST của Việt Nam. Các hoạt động của NASATI trong suốt hơn 60 năm qua đã hỗ trợ tích cực cho các nhà hoạch định chiến lược chính sách cũng như cộng đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Việt Nam. NASATI đã nỗ lực tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các dịch vụ thông tin KH&CN; nâng cao hợp tác của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, thông qua các hội chợ, triển lãm KH&CN, tổ chức các hoạt động của sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị và nhiều hình thức khác để kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đưa các sản phẩm KH&CN đến với người tiêu dùng.
NASATI đã có quan hệ hợp tác với hơn 100 cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của gần 40 nước trên thế giới. Trong đó, NASATI là đại diện quốc gia tham gia vào các tổ chức quốc tế đa phương trong hoạt động hợp tác về thông tin KH&CN như ICSTI, IFLA, APAN, ISSN… “Chúng tôi tin tưởng rằng, sự hợp tác với EURAXESS Worlwide sẽ giúp cho cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt Nam có thêm nhiều thông tin hữu ích cũng như các cơ hội để hợp tác, nghiên cứu chung giữa hai khu vực Á - Âu, đóng góp cho sự phát triển chung của KH&CN ở hai châu lục”. Ông Trần Đắc Hiến nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu và đổi mới giữa EU - Singapore; Khuôn khổ được áp dụng cho Chiến lược Phát triển Đổi mới và Nghiên cứu của Singapore và Hợp tác Singapore - EU.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo, NASATI và EURAXESS Worldwide đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đẩy mạnh KH,CN&ĐMST giữa EU và Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp NASATI và EURAXESS Worldwide thiết lập quan hệ đối tác chính thức nhằm chia sẻ các nguồn lực khoa học, các cơ hội phát triển, các hoạt động và chương trình trong khu vực nghiên cứu châu Âu cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và đổi mới của Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển chung của KH&CN ở hai châu lục. Đây cũng là cơ hội để góp phần nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại diện thường trực của Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva, biên bản ghi nhớ được ký kết giữa NASTI và EURAXESS Worldwide sẽ tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhà đổi mới từ Việt Nam và EU chung tay thúc đẩy các hoạt động và chương trình nghiên cứu và đổi mới KH&CN, góp phần đẩy mạnh toàn diện hợp tác và đối tác giữa Việt Nam và EU trên nhiều lĩnh vực, bao gồm ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường để phục hồi toàn diện sau đại dịch và phát triển bền vững vì lợi ích của người dân Việt Nam và EU.
Bà Lê Thị Tuyết Mai tin tưởng rằng Phái đoàn của EU tại Hà Nội và Phái đoàn của Việt Nam tại EU tại Brussels chắc chắn sẽ chung tay thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa NASATI và EURAXESS. Hợp tác nghiên cứu khoa học sẽ tăng cường ngoại giao. Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ NASATI và các cơ quan khác của Việt Nam trong việc kết nối với các tổ chức quốc tế tại Geneva.