Các đại biểu trao đổi tại Phiên Tọa đàm
Các kết quả báo cáo cho thấy việc thay đổi công nghệ chính là yếu tố then chốt để có được tăng trưởng về năng suất. Nó cho phép chúng ta đạt được nhiều thành quả với nguồn lực ít hơn, đây là chính là phương thức để chúng ta xây dựng nên sự thịnh vượng và tăng trưởng nền kinh tế. Nhận định về Báo cáo này, Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ: “Australia đã và đang hỗ trợ Việt Nam đưa ra các quyết định chính sách thực chứng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Báo cáo này là một cột mốc quan trọng nữa trong quan hệ đối tác của hai bên. Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Australia và Việt Nam đã thực hiện báo cáo này trong một năm rưỡi, thu thập và phân tích dữ liệu của gần 20 năm qua để phát triển hai mô hình kinh tế hiện đại nhằm lượng hóa mức độ đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi hy vọng rằng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ khai thác tối đa báo cáo và hai mô hình này để xây dựng các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia thiết thực về lâu dài”.
Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế” thuộc hợp phần 3 của Chương trình A4I về “trao đổi chính sách” (policy exchange) giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Nhóm nghiên cứu thuộc DATA 61, CSIRO của Australia và các chuyên gia đầu ngành từ Trường Đại học Queensland được chính thức triển khai từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021. Nhóm nghiên cứu đã tích cực phối hợp triển khai và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và bà Robyn Mudie tham quan tại gian trưng bày Báo cáo
Trong quá trình triền khai, nhóm đã tổng hợp và xây dựng hệ thống dữ liệu ban đầu về doanh nghiệp bao gồm hai cơ sở dữ liệu chính là: (1) Hệ thống dữ liệu cấp doanh nghiệp (được thu thập chủ yếu từ kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê từ năm 2000 đến 2018, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, điều tra về đổi mới sáng tạo của Dự án FIRST); (2) Hệ thống dữ liệu cấp ngành về các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được tổng hợp theo 770 ngành theo bảng phân ngành VSIC 2007 của Tổng cục Thống kê. Hai cơ sở dữ liệu trên đã được sàng lọc, xử lý về cơ bản để phục vụ tính toán mô hình và sẽ chuyển giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ để phục vụ các hoạt động nghiên cứu trong tương lai.
Báo cáo này đã xây dựng công cụ để đánh giá thực trạng cùng tác động của tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua mô hình kinh tế lượng sử dụng phương pháp đánh giá dựa trên đường giới hạn công nghệ (Technical frontier approach) và mô hình kinh tế cân bằng tổng thể động ngẫu nhiên (Dynamic stochastic general equilibrium model). Khi sử dụng các mô hình vào cơ sở dữ liệu mở rộng về đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã cho thấy đổi mới công nghệ đã đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2019. Việc đầu tư chủ động và liên tục vào đổi mới, các hoạt động nghiên cứu và phát triển sẽ là nhân tố quan trọng để Việt Nam bắt kịp với các quốc gia đang phát triển khác. Dựa theo các dữ liệu có được, nhóm nghiên cứu đưa ra dự đoán tác động của đầu tư R&D đối với tăng trưởng GDP đến năm 2045 theo hai kịch bản bằng cách sử dụng mô hình tổng thể ngẫu nhiên động. Đồng thời đưa ra khuyến nghị chính sách giúp các nhà hoạch định có thêm ý tưởng phù hợp với Việt Nam trong tương lai.
Giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo của Việt Nam sẽ gắn chặt với kết quả về năng suất và hiệu quả nhờ công nghệ. Việt Nam đang ở vị trí quan trọng để thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kinh tế tiếp theo nhờ các công nghệ mới và hiện có. Cùng với việc lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam cần đi tắt đón đầu giai đoạn phát triển tiếp theo. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng về chính sách trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để download toàn bộ Báo cáo, vui lòng truy cập theo đường link dưới đây:
https://research.csiro.au/aus4innovation/activities/policy-exchange-program/policy-exchange-1/