Thứ tư, 03/11/2021 17:17 GMT+7

Đổi mới sáng tạo sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam

Tăng cường hấp thụ, phổ biến công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam – đó là thông điệp chính của hai báo cáo về đổi mới sáng tạo được công bố tại sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức diễn ra sáng nay 03/11 tại Hà Nội.

Tham dự Lễ công bố có: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam; Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn; Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Quang Vinh; lãnh đạo Ủy ban KH,CN & Môi trường của Quốc hội; Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp.



Toàn cảnh Lễ công bố

 

Đổi mới sáng tạo giúp Việt Nam vượt qua thách thức

Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ Phân tích và Tư vấn (ASA) của Ngân hàng Thế giới (WB) về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam. Báo cáo được xây dựng theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do Chương trình Đối tác Chiến lược Giai đoạn II giữa Chính phủ Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới (ABP2) tài trợ. Báo cáo nghiên cứu khung phát triển và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) hiện tại, phân tích những điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp đổi mới và đưa ra đề xuất, khuyến nghị cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo.



Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ công bố

 

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam. "Đổi mới sáng tạo trở thành chìa khóa để vượt qua các thách thức hiện có, là chiến lược đột biến cho đổi mới sáng tạo Việt Nam", Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.



Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Lễ công bố

 

Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển KH,CN&ĐMST của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ - không chỉ là nghiên cứu và phát triển – có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây chính là điểm mà các can thiệp chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn nhất.

Quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất nên là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động – cả chất lượng và số lượng - cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của đổi mới sáng tạo.

Những phát hiện và khuyến nghị này phù hợp với báo cáo cấp khu vực do Ngân hàng Thế giới thực hiện trước đó với tiêu đề “Đổi mới sáng tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á – Yêu cầu cấp thiết”. Báo cáo này đã chỉ ra sự không phù hợp giữa các chính sách về đổi mới sáng tạo và khả năng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp và các tổ chức. Đây cũng là vấn đề phổ biến giữa các quốc gia trong khu vực, một lý do dẫn tới sự tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến về bề rộng và cường độ sử dụng công nghệ mới.

Báo cáo cho rằng việc áp dụng đổi mới sáng tạo sâu rộng hơn nữa có thể giúp các quốc gia vượt lên các thách thức mới để tiếp tục phát triển, kể cả các yếu tố xung đột địa chính trị toàn cầu, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng năng suất. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện. Ngoài việc định hướng lại các chính sách KH,CN&ĐMST cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, các quốc gia cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho đổi mới sáng tạo như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo.

Khẳng định vai trò đóng góp quan trọng của KH,CN&ĐMST

Tác động của việc hấp thụ công nghệ cũng được định lượng rõ ràng trong báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” do CSIRO, Cơ quan khoa học quốc gia Australia và các đơn vị thuộc Bộ KH&CN Việt Nam cùng thực hiện.

Được tài trợ bởi Chương trình Aus4Innovation, báo cáo cung cấp các công cụ để đánh giá hiện trạng và tác động của tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.

Phát biểu tại Lễ công bố, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, chia sẻ: “Australia đã và đang hỗ trợ Việt Nam đưa ra các quyết định chính sách dựa trên cơ sở thực chứng trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST và báo cáo này là một mốc quan trọng nữa trong quan hệ đối tác của chúng tôi. Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Australia và Việt Nam đã thực hiện báo cáo này trong một năm rưỡi, thu thập và phân tích dữ liệu trong giai đoạn gần 20 năm qua để phát triển hai mô hình kinh tế hiện đại nhằm lượng hóa mức độ đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi hy vọng rằng Bộ KH&CN có thể vận dụng hai mô hình này trong hoạch định các chính sách về phát triển KH,CN&ĐMST quốc gia trong dài hạn”.

Báo cáo là nguồn tham khảo chính sách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho thấy tính hiệu quả và nhân tố đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế so với vốn và lao động giá rẻ.



Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu tại Lễ công bố

 

Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của KH,CN&ĐMST trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045. Bộ KH&CN đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới trong các nỗ lực này và mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Tại sự kiện, đại diện các đơn vị xây dựng đã chia sẻ về những nội dung quan trọng của báo cáo. Theo đó, trong Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới tập trung phân tích những thay đổi cụ thể về chính sách và đề xuất các phương án thể chế để tăng cường ứng dụng KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp. Các thông tin này có ý nghĩa quan trọng, là thông tin đầu vào nhằm hỗ trợ xây dựng Chiến lược KH,CN&ĐMST tạo giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.

Để xây dựng báo cáo, Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt cấp cao, trao đổi chuyên môn giữa hai bên nhằm thống nhất về phương pháp triển khai và nội dung của báo cáo. Các chuyên gia của WB thông qua nhiều hội thảo, trao đổi và làm việc với các cơ quan có liên quan của Việt Nam thu thập thông tin. Nhiều bộ, ngành, Sở KH&CN, trường đại học cùng khoảng 200 doanh nghiệp trên cả nước đã cung cấp các thông tin đầu vào quan trọng cho báo cáo.

Trong Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” cung cấp bộ dữ liệu về công nghệ (với trên 4.5 triệu biểu ghi) trong tổng thể số liệu về kinh tế - xã hội của Việt Nam cả giai đoạn 2001-2019. Các dữ liệu này được tổng hợp, phân loại đồng bộ, thống nhất, sử dụng các mô hình toán kinh tế tiên tiến để bước đầu định lượng được đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, cũng như cơ chế KH,CN&ĐMST tác động vào nền kinh tế của Việt Nam.

Sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp bứt phá

Tại Phiên thảo luận, các nhà quản lý, khoa học, và doanh nghiệp đã cùng thảo luận về vai trò của KH,CN&ĐMST đối với phát triển kinh tế - xã hội và tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp mà phải tìm bước đi phù hợp với năng lực và trình độ của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông khẳng định, sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp muốn bứt phá. Theo đó, tại Rạng Đông đã xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu (ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số) với mục đích hướng tới là sáng tạo, thiết kế tại Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất nhưng sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao.

Bà Phạm Hiền, Dự án Data61- CSIRO, đánh giá KH,CN&ĐMST là trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Australia. Bà cho biết, Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc áp dụng KH,CN&ĐMST, thấy sự khác biệt giữa các ngành nghề khác nhau đã và đang tận dụng kết quả của KH,CN&ĐMST. Tuy nhiên, có nhiều ngành mới nổi vẫn cần phải tiếp tục tích lũy kiến thức đổi mới sáng tạo và làm thế nào để thương mại hóa kết quả KH&CN. Thông qua các nghiên cứu gần đây, bà Phạm Hiền cho biết nhiều ngành tại Việt Nam có phát triển mạnh mẽ về KH&CN như ngành năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió, quản lý điện lực). Đặc biệt, ngành dược trở thành lĩnh vực nổi trội trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm mới.

Chia sẻ thông tin tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá, các báo cáo công bố là kết quả của quá trình làm việc kỹ lưỡng của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam. Báo cáo cho thấy bức tranh khách quan, chân thực cho thấy điểm mạnh điểm yếu, chỉ ra một số vấn đề trong đổi mới sáng tạo có sự mất cân đối phát triển tạo ra tri thức và hấp thụ tại doanh nghiệp. Nhìn từ báo cáo nước đang phát triển Đông Á chỉ rõ, đầu tư KH&CN chưa đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế, Việt Nam cũng nằm trong nhóm này.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Phiên thảo luận

 

Một thực tế các doanh nghiệp sản xuất vẫn là sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0. Theo đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp để dám đổi mới công nghệ nhằm phát triển bền vững hơn. Thời gian qua, các doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt trong đại dịch là minh chứng rõ nhất cho việc đầu tư cho KH,CN&ĐMST.

Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng về cả phương diện kinh tế và công nghệ trong những năm gần đây. Vai trò của người lãnh đạo cùng với các thể chế mạnh sẽ là chìa khóa để Việt Nam tận dụng cơ hội và tháo gỡ các nút thắt để không ngừng phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.



Các đại biểu thăm trình diễn thực tế các mô hình và sản phẩm đổi mới sáng tạo tại sự kiện



Các diễn giả tại Phiên thảo luận

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1883

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)