Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM thời điểm trao giải năm 2020, trái) và Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí (phải) trao giải Đặc biệt S&IP 2020 cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM (Ảnh: Ban tổ chức).
S&IP là sự kiện thường niên do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức nhằm chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (26-4) và Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam (18-5).
Năm nay, chủ đề S&IP 2021 được chọn là “Từ ý tưởng đến cơ hội kinh doanh” dành cho đối tượng tham gia là sinh viên, nhóm sinh viên đang học tập tại các trường đại học khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng đến Cà Mau).
Theo ban tổ chức, đây là hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong sinh viên, tận dụng những cơ hội do cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 mang lại, thúc đẩy hoạt động kết nối giữa trường đại học với các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò của sở hữu trí tuệ trong thời chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn phát huy khả năng sáng tạo, tạo sân chơi khoa học, trí tuệ bổ ích cho sinh viên. Từ những ý tưởng, sáng kiến, hiến kế hoặc giải pháp cụ thể từ sinh viên đưa ra tại cuộc thi này, ban tổ chức sẽ có các giải pháp hỗ trợ, triển khai, ươm tạo thành những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng hoặc tạo điều kiện giới thiệu dự án khởi nghiệp của sinh viên ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, do cuộc thi được giao cho Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ ĐHQG-HCM phối hợp Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM và Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Hỗ trợ tư vấn - Cục SHTT tổ chức nên các dự án sẽ được thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những dự án đạt yêu cầu, góp phần gia tăng số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.
Về điều kiện, các dự án tham gia S&IP 2021 phải đáp ứng các tiêu chí như: Các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng nền tảng công nghệ số; Giải quyết những vấn đề cụ thể của thực tiễn; Dự án dự thi chưa từng đạt các giải thưởng cấp tỉnh/thành trở lên; Dự án đã từng tham gia S&IP 2020 nhưng chưa đạt giải Top 10; Dự án không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành.
Ông Ngô Hữu Thống, Chánh Văn phòng Trung tâm Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ ĐHQG-HCM, Thường trực Ban tổ chức cho biết, cuộc thi sẽ bắt đầu nhận hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ: https://iptc.vn/sip/ đến hết tháng 6-2021.
Dự kiến trong tháng 4-2021, hội thảo ra mắt “Cuộc thi Sinh viên với Quyền sở hữu trí tuệ” (S&IP 2021) sẽ được tổ chức cùng với hoạt động tổ chức bình chọn trực tuyến giải thưởng “Top10 dự án được yêu thích” và sơ tuyển chọn ra khoảng 30 dự án xuất sắc để vào vòng tiếp theo.
Các dự án được chọn sẽ tham gia các vòng huấn luyện và tư vấn xuyên suốt từ tháng 4 đến tháng 8-2021. Hội đồng giám khảo và ban cố vấn của cuộc thi bao gồm các Chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các doanh nhân đã khởi nghiệp thành công, các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, chuyên gia đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đại diện các quỹ đầu tư. Theo kế hoạch, vòng chung kết và trao giải sẽ diễn ra trong tháng 9-2021.
Tổng giá trị giải thưởng của S&IP 2021 lên đến hơn 1,5 tỷ đồng, cùng các gói hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, tư vấn khởi nghiệp…
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.com.vn/science-news/khoi-nghiep-cua-sinh-vien-cung-so-huu-tri-tue-va-cong-nghe-so--640134/