Thứ hai, 29/03/2021 14:45 GMT+7

Nghiệm thu đề tài: “Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên trong bối cảnh liên kết vùng và hội nhập quốc tế mới” thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016 – 2020

Ngày 5/03/2021, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước đã đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên trong bối cảnh liên kết vùng và hội nhập quốc tế mới”, mã số: TN18/X06. Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế (Chương trình Tây Nguyên 2016 – 2020) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, GS.VS. Châu Văn Minh làm chủ nhiệm chương trình.

Đề tài do PGS.TS. Bùi Đức Hùng làm chủ nhiệm. Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Hội đồng nghiệm thu gồm 9 thành viên do PGS. TS. Bùi Nhật Quang, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Chủ tịch hội đồng. PGS. TS Trần Tuấn Anh, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam – Phó chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi họp.
 


Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Trong bối cảnh liên kết vùng và hội nhập quốc tế mới, đề tài  tập trung theo hướng phân tích, đánh giá, xây dựng luận cứ khoa học và định hướng hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở các tỉnh Tây Nguyên.
 


PGS.TS. Bùi Đức Hùng báo cáo kết quả của đề tài trước hội đồng

Thay mặt các nhà khoa học tham gia đề tài, PGS.TS. Bùi Đức Hùng báo cáo tóm tắt kết quả của đề tài, đề cập đến các vấn đề: tổng quan thực trạng sản xuất nông nghiệp, phát triển NNCNC vùng Tây Nguyên giai đoạn 2001-2018; Đánh giá thực trạng sản xuất năm sản phẩm sâm Ngọc Linh, mía, cà phê, rau, chăn nuôi bò; đánh giá mức độ ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên; hiệu quả kinh tế và những tác động của việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đến kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái; Đánh giá tổng quan thị trường tiêu thụ sản phẩm NNCNC được sản xuất ở vùng Tây Nguyên…Nhóm nghiên cứu đã phân tích định lượng hiệu quả kinh tế theo quy mô hộ và doanh nghiệp (Mô hình dữ liệu bao DEA) cho bốn mô hình sản xuất mía, cà phê, rau và chăn nuôi bò, để từ đó tìm kiếm chính sách phục vụ các nội dung nghiên cứu tiếp theo. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nêu bật thực trạng ảnh hưởng và những vấn đề đặt ra với nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển NNCNC ở các tỉnh vùng Tây Nguyên, nhằm đạt được các mục tiêu mà Chính Phủ quan tâm: (1) Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu và phát triển nông thôn; (2) Ổn định thu nhập và giá cả; (3) Bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. Đề tài đã thực hiện cam kết chuyển giao ứng dụng thực tiễn, tư vấn chính sách đối với năm tỉnh vùng Tây Nguyên, góp phần vào tài liệu tham khảo trong đào tạo.

Đề tài đã công bố 13 bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có 01 bài tạp chí quốc tế, 12 bài tạp chí  trong nước; 02 sách kỷ yếu hội thảo quốc gia có chỉ số ISBN, 01 bản thảo sách sách chuyên khảo; đào tạo 04 thạc sĩ.
 


 Khảo sát thực trạng sản xuất một số sản phẩm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

 Hội đồng khoa học đã thảo luận, xem xét đối với từng nội dung nghiên cứu của đề tài và thống nhất đánh giá các kết quả nghiên cứu đạt được như sau: Các sản phẩm của đề tài đáp ứng chất lượng, vừa có giá trị khoa học vừa có giá trị thực tiễn. Về mặt số lượng và sản phẩm, đã thực hiện đầy đủ theo đúng yêu cầu của Hợp đồng nghiên cứu KH&CN đã ký và hoàn thành vượt mức các sản phẩm so với yêu cầu của hợp đồng. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá xếp loại “Đạt”.

Liên kết nguồn tin:

https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nghiem-thu-%C4%91e-tai-giai-phap-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-vung-tay-nguyen-trong-boi-canh-lien-ket-vung-va-hoi-nhap-quoc-te-moi-thuoc-chuong-trinh-tay-nguyen-2016-2020-13880-435.html

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lượt xem: 2817

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)