Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc Lê Khả Đấu; Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải; đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện thuộc Bộ KH&CN; Lãnh đạo các tỉnh, Sở KH&CN của 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Lãnh đạo 2 tỉnh khách mời: Hậu Giang, Thái Bình.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2010-2011 và tình hình triển khai kết luận Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh miền núi phía Bắc lần thứ XIII đồng thời xây dựng các biện pháp giải quyết những vướng mắc cho việc phát triển KH&CN trong những năm tiếp theo.
Hai năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc đã triển khai các hoạt động KH&CN một cách tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, trong đó một số dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hoạt động nghiên cứu KH&CN đã cung cấp gần 80 dự án KH&CN cấp nhà nước thuộc 2 chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nông thôn miền núi và chương trình phát triển tài sản trí tuệ; 851 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh; gần 2.000 các mô hình, đề tài, dự án KH&CN cấp cơ sở. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 50% số lượng đề tài, dự án; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm 27%,... Góp phần khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của KH&CN đối với sự nghiệp phát triển KT-XH ở các địa phương.
Đóng góp nổi bật nhất của hoạt động KH&CN trong lĩnh vực sản xuất và đời sống trong vùng là việc đưa nhanh các kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt (nông, lâm nghiệp), chăn nuôi (đại gia súc và nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh), tập trung nghiên cứu cây dược liệu, rau bản địa, rau hoa chất lượng cao. Nhiều mô hình hợp tác mới trong phát triển kinh tế đã bước đầu được hình thành như mô hình góp đất trồng cây cao su ở Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu),…
Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ các tỉnh miền núi phía Bắc lần thứ XIV
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Đổi mới cơ chế tài chính KH&CN đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển tiềm lực KH&CN; ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất nông - lâm nghiệp để phát triển hàng hóa; hiệu quả dự án cấp nhà nước góp phần phát triển KT-XH; triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học cho đồng bào dân tộc, bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương,…
Thời gian tới hoạt động KH&CN tiếp tục được các tỉnh miền núi phía Bắc quan tâm, chú trọng. Trong đó tập trung đầu tư thực hiện tốt các chương trình KH&CN trọng điểm, làm chủ các công nghệ cao, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như công nghệ sinh học nhằm giải quyết các nhu cầu về giống cây, giống con, các giải pháp thâm canh phòng trừ dịch bệnh để phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, phát triển thị trường công nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp,nông thôn.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất với Bộ KH&CN về các vấn đề: tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh thực hiện một số chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước; các dự án phát triển KT-XH nông thôn, miền núi; cơ chế, chính sách đặc thù đới với hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH&CN ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đào tạo các chuyên gia về các lĩnh vực: công tác thẩm định giám định công nghệ, thẩm định và quản lý các đề tài dự án cấp tỉnh, công nghệ mới,…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng đánh giá cao kết quả hoạt động KH&CN của 14 tỉnh miền núi phía Bắc đạt được trong 2 năm qua. Thứ trưởng nhấn mạnh: Các Bộ, ngành cần quan tâm đến phát triển KH&CN toàn vùng; đẩy mạnh hoạt động thị trường công nghệ, sàn giao dịch, định giá sản phẩm cần phải hình thành vùng liên kết KH&CN,… góp phần nâng cao vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển KT-XH.
Theo dự kiến, Hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh miền núi phía Bắc lần thứ XV sẽ tổ chức tại tỉnh Bắc Cạn.