Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã được nghe báo cáo đánh giá hoạt động KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương; kết quả thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh,...
Theo đó, việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhiều loại cây trồng bản địa đã nghiên cứu bảo tồn và nhân rộng như: giống lúa khẩu ký, nếp tan bản địa; các loại cây dược liệu có giá trị tại huyện Sìn Hồ; các giống ngô, lúa lai có sức chịu hạn tốt; phát triển các loại cá nước lạnh như: cá hồi, cá tầm,…
Nhiều sản phẩm truyền thống của tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ chứng nhận như: miến dong Bình Lư (huyện Tam Đường), rượu Mông Kê Sùng Phài (thị xã Lai Châu); chè Than Uyên,… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ mặt hàng đặc sản, chủ lực của tỉnh.
Đối với việc phát triển cây cao su, qua gần 5 năm triển khai,toàn tỉnh đã trồng được trên 8.000 ha. Đặc biệt, qua 2 đợt rét của năm 2010, 2011, diện tích cây cao su bị ảnh hưởng không đáng kể, nhìn chung cây sinh trưởng khá đồng đều và ổn định.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Xuân Phùng kiến nghị với Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm, giúp tỉnh nghiên cứu bộ giống cao su phù hợp với vùng khí hậu của các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ trồng 20.000 ha cao su. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ KH&CN nghiên cứu hỗ trợ tỉnh thực hiện các Đề án, dự án: “Nâng cao tiềm lực về trang thiết bị cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN (Sở KH&CN); Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế khu vực tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; xây dựng vùng thâm canh chè chất lượng cao; phát triển một số cây dược liệu quý hiếm ở Sìn Hồ, Mường Tè; xây dựng mô hình trồng cây bản địa và cây biến đổi gen trong sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt tăng mức đầu tư kinh phí cho hoạt động KH&CN đảm bảo 2% tổng ngân sách cũng như quan tâm ưu tiên cho cán bộ quản lý KH&CN địa phương được tham gia học tập kinh nghiệm KH&CN của nước ngoài,…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng đánh giá cao những kết quả KH&CN tỉnh đạt được trên các lĩnh vực. Thứ trưởng nhấn mạnh, tỉnh Lai Châu nên tập trung phát triển nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bởi đó mới là sự phát triển bền vững. Thứ trưởng đề nghị các vụ, viện nghiên cứu của Bộ giúp tỉnh nghiên cứu và phát triển bền vững đối với các loại cây trồng: cao su, chè, vối thuốc, actiso,…
Tỉnh Lai Châu nhận chuyển giao bản đồ sương muối
Cũng trong buổi làm việc, Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng bản đồ sương muối phục vụ phát triển cây cao su và cà phê ở một số tỉnh miên núi phía Bắc bằng công nghệ GIS và viễn thám” do Tiến sỹ Dương Văn Khảm (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) làm chủ nhiệm đã được chuyển giao cho tỉnh Lai Châu
Được biết, trước đó nhóm nghiên cứu Đề tài đã chuyển giao cho 2 tỉnh Điện Biên, Sơn La. Đây là đề tài đầu tiên trong cả nước sử dụng công nghệ GIS và viễn thám để xác định vùng an toàn sương muối và nhiệt độ thấp đối với diện tích cây cao su và cà phê ở 3 tỉnh Tây Bắc. Việc chuyển giao Đề tài sẽ giúp các ngành liên quan của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh sương muối và giá rét nhằm đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của diện tích cây cao su của tỉnh trong thời gian tới.