Thứ sáu, 11/05/2012 10:56 GMT+7

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển Khoa học và Công nghệ

Ngày 10/5/2012, đoàn khảo sát liên ngành của Ban Tuyên giáo, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội (BKHN) về việc đóng góp ý kiến, kiến nghị nhằm phục vụ công tác xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN...


Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn khảo sát tại trường Đại học Bách khoa HN (Ánh Tuyết)

Hiện nay, các đề tài nghiên cứu KH&CN của Trường tập trung vào 2 hướng chính: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai - ứng dụng. Với quan điểm tuyển chọn đề tài KH&CN phải gắn với sản phẩm và địa chỉ ứng dụng cụ thể, đồng thời đa dạng hóa các loại hình nghiên cứu khoa học, các kết quả đạt được của Trường trong những năm qua là rất đáng khích lệ.

Các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ của Trường đa số đều thực hiện thành công, có địa chỉ ứng dụng rõ ràng, nhiều kết quả đã được đăng ký sáng chế/ giải pháp hữu ích và nhãn hiệu hàng hóa. Từ năm 2004 đến nay, Trường có hơn 41 đơn sáng chế/ giải pháp hữu ích được chấp nhận, hơn 23 nhãn hiệu được đăng ký. Trường cũng đã thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng bằng sáng chế hoặc góp vốn bằng bản quyền công nghệ cho các doanh nghiệp.

Nhiều kết quả nghiên cứu đã tham gia các chợ công nghệ, thiết bị (techmart) và đã đoạt nhiều giải thưởng, giúp Trường ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế. Trong Techmart Vietnam ASEAN +3, Trường đã có 26 gian hàng, trưng bày 126 công nghệ và thiết bị. Nhiều hợp đồng đã được ký kết tại Chợ công nghệ như: Dây chuyền vật liệu không nung, máy lái tàu thủy công suất 2.000-7.000 tấn, piston thủy lực, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, lõi neo cáp bê tông dự ứng lực, máy phay CNC 3 trục...

Giáo sư Nguyễn Trọng Giảng- Hiệu trưởng trường Đại học BKHN cho biết: Hệ thống quản lý và nghiên cứu khoa học được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008. Hiện nay trường đang thí điểm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung đào tạo, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính trong giai đoạn 2011 – 2015.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Trọng Giảng, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn một số tồn tại như: cơ chế hình thành các đề tài nhiệm vụ KH&CN còn mang tính thụ động; chương trình nghiên cứu mang tên của lĩnh vực KH&CN không có mục tiêu cụ thể dẫn đến các đề tài nghiên cứu còn “tản mát”; các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp còn ít gắn kết với đào tạo trình độ cao dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực; sự gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và môi trường sản xuất kinh doanh chưa chặt chẽ.

Trong giai đoạn 2011- 2015, chương trình nghiên cứu khoa học của trường sẽ tập trung vào các lĩnh vực sau: nghiên cứu phát triển nhiên liệu sinh học, nghiên cứu khai thác nguồn nguyên liệu thiên nhiên, nghiên cứu phát triển các công nghệ ứng dụng cho chế tạo tàu ngầm cỡ nhỏ, nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng có hiệu quả,…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: đây là một trong những mô hình trường đại học gắn với nghiên cứu khoa học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, những ý kiến, đề xuất của trường trong buổi làm việc hôm nay sẽ được tiếp thu và nghiên cứu để có những chỉnh sửa phù hợp hơn trong đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012.

Lượt xem: 1244

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)