Toàn cảnh khóa đào tạo.
Trong bối cảnh hoạt động thương mại quốc tế ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vẫn đề mà các nước ngày càng quan tâm và đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Theo đó, nhu cầu bảo hộ quốc tế đối với nhãn hiệu cũng ngày càng tăng, trong đó có các nhãn hiệu phi truyền thống (là các loại nhãn hiệu không nhìn thấy được như mùi, vị, âm thanh, v.v.). Sự khác nhau trong chế độ bảo hộ nhãn hiệu giữa các nước làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền, lợi ích chính đáng của các chủ sở hữu nhãn hiệu trong kinh doanh quốc tế, mà một trong số đó là quy định về dấu hiệu có thể được sử dụng làm nhãn hiệu.
Hiện nay, việc sử dụng và bảo hộ các loại dấu hiệu mới – nhãn hiệu phi truyền thống giữa các nước có những khác biệt đáng kể. Ở các nước phát triển, việc sử dụng và bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống này tương đối phổ biến, chủ sở hữu các loại nhãn hiệu này khi lưu thông các sản phẩm, hàng hóa của mình sang các nước khác thì cũng mong muốn các loại hình nhãn hiệu đó cũng phải được bảo hộ ở các nước khác. Bởi vậy một xu thế mới xuất hiện từ cuối thế kỷ 20 và tiếp tục phát triển đến nay là trong các hiệp định thương mại tự do mà các nước này ký kết với các nước đang phát triển khác xuất hiện các quy định về bảo hộ một hoặc một số loại nhãn hiệu phi truyền thống.
Phát biểu tại Khóa đào tạo, ông Ngô Việt Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, hiện nay Việt Nam mới bảo hộ nhãn hiệu là các dấu hiệu nhìn thấy được. Các dấu hiệu không nhìn thấy được và một số dấu hiệu khác đã được sử dụng và bảo hộ làm nhãn hiệu ở một số nước khác chưa được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam như dấu hiệu màu đơn sắc, dấu hiệu vị trí, dấu hiệu động, nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, v.v Việt Nam là nước đang phát triển, hệ thống bảo hộ và thực thi nhãn hiệu đang hoàn thiện dần để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, bởi vậy việc bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống trong tương lai cũng sẽ là điều tất yếu để đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế cũng như nhu cầu của hoạt động thương mại quốc tế. Và gần nhất theo các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam sẽ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Chính vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước phát triển đã bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống trong một thời gian dài như Vương quốc Anh là một việc làm cần thiết và rất có ý nghĩa.
Tại Khóa đào tạo, ông Edward Smith - chuyên gia Cơ quan sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) đã giới thiệu về: Tổng quan về các nhãn hiệu phi truyền thống; nhãn hiệu đồng và 3 chiều (3D); thẩm định nhãn hiệu âm thanh; quản lý chất lượng trong thẩm định nhãn hiệu thương mại và chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo thẩm định nhãn hiệu thương mại.
Ông Edward Smith cho biết, các nhãn hiệu thương mại truyền thống thường được coi là các nhãn hoặc các “dấu” gắn theo hàng hóa hoặc dịch vụ. Các nhãn hiệu thương mại phi truyền thống mở rộng khái niệm này theo các đặc tính của sản phẩm bao gồm cả bao bì hoặc theo các khía cạnh khác như màu sắc, hình dạng, sự chuyển động, mùi vị, và âm thanh.
Khóa đào tạo là cơ hội tốt để các học viên, đặc biệt là các cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ hiểu biết kỹ hơn về quy trình, thủ tục bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống, cũng như trao đổi các thông tin, kinh nghiệm với các chuyên gia của UKIPO về các vấn đề liên quan.