Hiện nay, việc xuất khẩu hoa quả từ Việt Nam sang các nước khác gặp khó khăn trong khâu bảo quản, vì hoa quả dễ bị hỏng nếu để ở điều kiện bình thường. Trước thực trạng đó, các nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo vật liệu sử dụng trong lĩnh vực bảo quản hoa quả (vải, nhãn, mận, cam, dưa hấu…). Đây là đề tài nghiên cứu KH&CN cấp nhà nước trong giai đoạn 2006-2010 và hiện nay đã phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình KC.02/11-15 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”.
Màng bao gói này là sản phẩm của gần 15 nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các đơn vị phối hợp.
Ban đầu, đề tài đã đặt ra 3 mục tiêu nghiên cứu chính là tạo ra vật liệu bảo quản dạng dung dịch, dạng nhũ tương và màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) để bảo quản hoa quả. Tuy nhiên, sau kết quả nghiên cứu, xét về mặt kinh tế, chỉ có sản phẩm màng bao gói khí quyển MAP mới đáp ứng được thực tế. Vì vậy, trong dự án sản xuất thử nghiệm KC.02.DA 07/11-15, các nhà khoa học tiếp tục tập trung nghiên cứu, sản xuất màng MAP bảo quản không chỉ hoa quả quả mà còn sử dụng rộng rãi trong bảo quản thực phẩm với giá thành cạnh tranh.
Bình thường, không có màng MAP, ở nhiệt độ thấp 4-5 độ C, hoa quả chỉ bảo quản được khoảng 2-3 tuần. Nhưng nếu dùng màng MAP bao bọc bên ngoài, có thể bảo quản trong 7-8 tuần. Nhờ vậy, người nông dân có thể vận chuyển đi xa mà không bị hỏng. Hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, có thể cho hàng hóa vào kho đông lạnh, bọc trong màng MAP là có thể bảo quản được lâu hơn.
Dây chuyền sản xuất màng MAP
Hiện nay sản phẩm của dự án đã được thương mại hóa ra thị trường trong nước, đồng thời, với mục tiêu xuất khẩu trong thời gian tới, dự án đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, sản xuất với quy mô công nghiệp cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường Việt Nam và khu vực./.