Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, năm 2012 là một năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và hoạt động KH&CN nói riêng. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và đã tập trung chỉ đạo tập thể cán bộ công chức trong Bộ thực hiện các đề án xây dựng cơ chế, chính sách, tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN; đổi mới phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN, đảm bảo sử dụng ngân sách đúng mục đích và hiệu quả. Qua đó đã đạt được những kết quả nổi bật, cụ thể như:
Bộ đã hoàn thành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 09 đề án, ban hành và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có nhiều văn bản mang tính bản lề được tập trung hoàn thiện: Đề án phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế (Hội nghị Trung ương 6, khóa XI chính thức thông qua); Luật KH&CN (hoàn thành đúng quy trình tiến độ; trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2012); Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020; Đề án tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN (đã trình Thủ tướng Chính phủ) và nhiều chương trình, đề án quốc gia khác về phát triển KH&CN, tạo tiền đề pháp lý và kỹ thuật hết sức quan trọng và đồng bộ để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển dài hạn của KH&CN trong giai đoạn tiếp theo.
Các chương trình KH&CN lớn, dài hạn, đa mục tiêu (như đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia) được xúc tiến chuẩn bị các điều kiện về tài chính, nhân lực, pháp lý và kỹ thuật để triển khai đồng bộ và hiệu quả ngay từ bước khởi đầu thực hiện. Đến nay, về cơ bản đã thống nhất được với Bộ Tài chính về phương thức quản lý kinh phí của 03 chương trình quốc gia để bắt đầu triển khai từ năm 2013.
Trong năm 2012, Bộ đã ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN với một số Bộ và địa phương với mục đích tập trung hỗ trợ các địa phương có thế mạnh phát triển thành trung tâm KH&CN của vùng (như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Bình) hoặc các địa phương còn nhiều khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (như Ninh Bình, Trà Vinh).
Để khắc phục tình trạng phân tán đầu mối quản lý ngân sách, tình hình không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích ngân sách KH&CN ở các Bộ, ngành, địa phương, tại Quyết định số 1244/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc xây dựng chỉ tiêu ngân sách và kế hoạch vốn hàng năm phải được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã thống nhất với Bộ Tài chính đổi mới các tiêu chí làm căn cứ phân bổ kinh phí sự nghiệp KH&CN từ năm 2012 cho các địa phương; tương tự, Bộ KH&CN đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng kế hoạch bố trí, sử dụng vốn đầu tư phát triển KH&CN từ năm 2013. Thực hiện chủ trương đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch năm 2013, các đơn vị đầu mối đã trao đổi, thảo luận, thống nhất kế hoạch với các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời tổng hợp kế hoạch để làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Tuy còn gặp khó khăn, vướng mắc nhưng cán bộ, công chức trong Khối đã quyết tâm và cố gắng thực hiện tốt các chủ trương đổi mới nhằm thực hiện các định hướng phát triển KH&CN và đảm bảo tăng hiệu quả đầu tư cho KH&CN.
Bên cạnh đó, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia tiếp tục tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng theo phương thức quản lý mới, được cộng đồng khoa học ủng hộ, đánh giá cao. Các tài trợ từ Quỹ giúp tăng đáng kể số lượng công trình công bố quốc tế của Việt Nam trong 04 năm qua. Trong năm 2012, đã có 382 kết quả của các đề tài nghiên cứu do Quỹ tài trợ được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2011. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được Thủ tướng quyết định thành lập từ tháng 6/2011 sẽ góp phần đổi mới đáng kể phương thức sử dụng kinh phí ngân sách, đồng thời làm hạt nhân để huy động nguồn tài chính từ các doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN. Hiện nay, Điều lệ hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã hoàn thành và chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ KH&CN cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai chủ trương lớn mang tính đột phá trong hoạt động KH&CN, đó là chuyển các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Nghị định số 115/2005/NĐ-CP) và hình thành doanh nghiệp KH&CN (Nghị định số 80/2007/NĐ-CP).
Đến nay, trong tổng số 585 tổ chức KH&CN công lập thuộc diện chuyển đổi, đã có 267 tổ chức được phê duyệt đề án chuyển đổi; số còn lại đang xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án. Nhiều tổ chức KH&CN được chuyển đổi đã phát huy hiệu quả trong hoạt động, có nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu được thương mại hóa phục vụ kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh, đón nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, vừa xây dựng được uy tín trong xã hội vừa có thêm nguồn kinh phí cho đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, vừa nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên, cán bộ nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp KH&CN được hình thành trong hoặc bên cạnh các trường đại học, các viện nghiên cứu. Các doanh nghiệp này đều làm chủ công nghệ, có năng lực khai thác hiệu quả vì vậy doanh số ngày càng tăng mặc dù gặp nhiều khó khăn từ cơ chế đến tác động tiêu cực do tình hình kinh tế khó khăn. Một số doanh nghiệp KH&CN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng (về giá trị tài sản và doanh số) lên tới vài trăm và vài ngàn lần (sau 3-5 năm) so với thời điểm thành lập ban đầu .
Hiện nay, Bộ đang tập trung tạo lập môi trường pháp lý đảm bảo cho thị trường vận hành hiệu quả thông qua hệ thống pháp luật về thị trường công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, đồng thời, thúc đẩy cung - cầu công nghệ và các định chế trung gian, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Đến nay, đã có 15 phòng thí nghiệm trọng điểm hoàn thành quá trình đầu tư và đi vào hoạt động; hàng trăm phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu, trường đại học được nâng cấp, hiện đại hóa. Ba Khu công nghệ cao quốc gia được tiếp tục đầu tư.
Riêng đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ KH&CN đã huy động được 31 tỷ Yên (tương đương khoảng 200 triệu USD) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư phát triển hạ tầng KH&CN. Đến nay, việc thiết kế các hạng mục công trình và quy mô đầu tư theo các hạng mục đã được phê duyệt, đang chờ thực hiện các thủ tục tiếp theo. Bên cạnh đó, việc quy hoạch Khu Nghiên cứu và Phát triển (Khu R&D Hòa Lạc) cũng được đẩy mạnh thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Khu R&D Hòa Lạc, huy động tài trợ của JICA để quy hoạch phát triển.
Lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ là hai mặt trận xung kích trong quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN, có mối liên hệ trực tiếp và hữu cơ với hoạt động nghiên cứu sáng tạo của cộng đồng KH&CN, hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền. Hai lĩnh vực này đã hướng mạnh tới việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ để củng cố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh đã được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2012 đã ban hành 14 thông tư và 5 tiêu chuẩn an toàn đáp ứng yêu cầu về hệ thống văn bản quy phạm phục vụ phê duyệt địa điểm và thẩm định an toàn trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư sẽ trình trong năm 2013. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý quốc tế phục vụ cho phát triển điện hạt nhân đã từng bước được hoàn thiện phù hợp với lộ trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Bộ KH&CN đã nghiên cứu và đề xuất tham gia cũng như phê chuẩn các công ước và hiệp định hợp tác quan trọng trong thời gian gần đây như Công ước an toàn hạt nhân, Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, Nghị định thư bổ sung và Hiệp định 123 với Hoa Kỳ.
Trên cơ sở đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ khoa học và cán bộ quản lý phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân và ứng dụng bức xạ. Từ năm 2011 đã bắt đầu triển khai kế hoạch đào tạo này với sự hợp tác của Nga, Nhật Bản, IAEA và EC. Hoạt động thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân được đẩy mạnh, đặc biệt sau tai nạn Fukushima để tạo sự ủng hộ của công chúng cho chủ trương phát triển điện hạt nhân.
Công tác ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Bộ quan tâm chỉ đạo tích cực. Nhiều công nghệ tiến tiến về ứng dụng NLNT đã được triển khai ở Việt Nam như công nghệ PET chẩn đoán sớm ung thư, công nghệ bức xạ trong bảo quản thanh trùng lương thực thực phẩm và chế tạo vật liệu mới, công nghệ đánh dấu phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí, công nghệ đột biến tạo giống, kỹ thuật thủy văn đồng vị phục vụ quản lý nguồn tài nguyên nước,… Để phục vụ tiếp thu và làm chủ công nghệ điện hạt nhân, Bộ đã ký kết Hiệp định với Liên bang Nga để thành lập Trung tâm KH&CN hạt nhân, đề xuất hình thành và triển khai Chương trình KH&CN về năng lượng nguyên tử và các dạng năng lượng mới.
Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN phát triển trên mọi lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thông tin KH&CN và đặc biệt là ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Hoàn thành và tổ chức thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN giai đoạn đến năm 2015. Mạng lưới tùy viên KH&CN được mở rộng ở các quốc gia, địa bàn tiềm năng trong khu vực và thế giới, trở thành một kênh quan trọng giúp khai thông các quan hệ hợp tác và tìm kiếm, thu thập thông tin và bí quyết công nghệ để phục vụ nhu cầu phát triển KHCN và kinh tế - xã hội trong nước. Duy trì quan hệ hợp tác về KH&CN với hơn 70 quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ; 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN; ký kết và triển khai hơn 80 hiệp định và thỏa thuận hợp tác KH&CN cấp Chính phủ và cấp Bộ.
Thứ trưởng Lê Đình Tiến cũng cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Bộ sẽ là: Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức và quản lý KH&CN; Quản lý hoạt động KH&CN và phát triển tiềm lực KH&CN; Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, phát triển và hoàn thiện thị trường công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN; Đẩy mạnh hoạt động quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ; Tích cực chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và nhân lực cho phát triển điện hạt nhân; đẩy mạnh quản lý về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, hạt nhân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Lãnh đạo Bộ mong muốn có được sự hỗ trợ và ủng hộ của các cán bộ, công chức các đơn vị trực thuộc Bộ để công việc của Bộ, ngành được hoàn thành tốt. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để các cán bộ, công chức giao lưu, gặp gỡ nhằm phối hợp tốt hơn trong quá trình công tác. “Đã có rất nhiều ý kiến phát biểu của các cán bộ, công chức về những vấn đề rất cụ thể. Đây là dịp thực sự quý để có thể nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí. Chúng tôi cũng hy vọng các đồng chí hiểu được những vấn đề mà chúng tôi trăn trở, quan tâm và mong muốn làm sao công việc của Bộ càng ngày càng tốt hơn”.