Thứ hai, 20/08/2012 14:22 GMT+7

Ứng dụng Khoa học và Công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm chủ lực Vùng Đồng bằng sông Hồng

Ngày 18/8/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và UBND tỉnh Hà Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Ứng dụng KH&CN phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm chủ lực Vùng Đồng bằng sông Hồng”. Phó Thủ tướng Chính phủ...


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải, Lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), các Viện nghiên cứu, trường đại học cùng các nhà khoa học.

Hội nghị đã tập trung tổng kết lại kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế tại các địa phương Vùng ĐBSH; đánh giá vai trò của KH&CN trong việc phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế lớn góp phần phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và Vùng ĐBSH nói chung; đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng.

Nhờ đầu tư nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi mới và các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của Vùng ĐBSH. Các chương trình lớn như Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ... đã giúp nhiều địa phương, doanh nghiệp tại Vùng ĐBSH ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh; thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất trong Vùng.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tham quan gian hàng trưng bày

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu về ứng dụng KH&CN nhưng theo đánh giá của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị, vai trò của KH&CN với phát triển kinh tế xã hội Vùng ĐBSH còn hạn chế, KH&CN chưa thực sự được coi là động lực then chốt. Các đại biểu kiến nghị, cần thúc đẩy liên kết 3 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học); đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng ở các địa phương, gắn hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; có chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ;...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo 4 vấn đề lớn cần tập trung giải quyết:

Thứ nhất, các Bộ, ngành kết hợp với UBND cấp tỉnh quy hoạch, xác định sản phẩm KH&CN chủ lực của Vùng và mỗi địa phương. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN như vấn đề giống, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tổ chức hội thảo chuyên đề bàn về việc các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi hoạt động nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như thế nào để các sản phẩm chủ lực có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và đem lại nhiều lợi ích nhất cho người sản xuất. Trước hết, nên thực hiện với lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, vấn đề xác định cơ chế xây dựng và giao nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế ở các ngành, địa phương. Người đứng đầu các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm xác định các nhiệm vụ KH&CN của ngành đó trên cơ sở nhu cầu của ngành, địa phương, đề xuất của giới khoa học. Việc xác định nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ khoa học liên ngành do Bộ KH&CN xây dựng và tổ chức triển khai. Cần chủ động triển khai việc giao nhiệm vụ KH&CN thông qua cơ chế đặt hàng dựa trên yêu cầu thực tiễn của Vùng và các địa phương.

Thứ ba, cần quy hoạch lại hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học. Đồng thời khuyến khích các trường đại học thành lập các trung tâm nghiên cứu để tập trung nghiên cứu và đưa sản phẩm nghiên cứu đến với cuộc sống. Trường đại học, ngoài cán bộ giảng dạy có thể bổ sung số biên chế nghiên cứu để tăng năng lực KH&CN. Cần tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi đối với nhà nghiên cứu xuất sắc, đầu đàn.

Thứ tư, kết nối cung cầu và tiêu thụ các sản phẩm KH&CN. Yêu cầu Bộ KH&CN rà soát, bổ sung các phương thức kết nối cung - cầu công nghệ, trước mắt là của vùng ĐBSH. UBND Thành phố Hà Nội hoàn thành đề án xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cung cấp thông tin về các giải pháp KH&CN, các sản phẩm KH&CN sẵn sàng chuyển giao (trong quý 4/2012). Trong đó, dành một mục để các nhà khoa học và bên có nhu cầu đặt hàng công nghệ trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu ứng dụng.

Hiện nay 11 tỉnh, thành phố Vùng ĐBSH đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Đề án ứng dụng KH&CN phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm chủ lực địa phương. Kết quả thực hiện Đề án bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số sản phẩm chủ lực đã tạo được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: Vải thiều Thanh Hà; Nhãn lồng Hưng Yên; Chuối ngự Đại Hoàng, Rau sắng, Gà Móng Tiên Phong,... của tỉnh Hà Nam; Đồ mộc Ninh Phong, Đá mỹ nghệ Ninh Vân, Cói và rượu Kim Sơn, dê núi,... của tỉnh Ninh Bình; Máy biến áp công suất đến 220 kV- 250 MVA đạt tiêu chuẩn Châu Âu, các sản phẩm động cơ điện,... của các doanh nghiệp tại Hà Nội; các loại sơn tàu biển, sơn giao thông của doanh nghiệp tại Hải Phòng...

Lượt xem: 1267

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)