Thứ bảy, 23/11/2024 12:21 GMT+7

Xác định nhu cầu công nghệ vật liệu: Chìa khóa phát triển ngành công nghiệp Việt Nam

Ngày 22/11/2024 tại Hà Nội, Văn Phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.02/21-30 phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Xác định nhu cầu, khả năng đáp ứng công nghệ vật liệu và xây dựng đầu bài cho Chương trình KC.02/21-30”.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.
Tăng cường nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu
Phát biểu khai mạc, ông Ngô Sỹ Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2024, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu”, mã số KC.02/21-30 được phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-BKHCN ngày 8/7/2022 sẽ tập trung vào việc thu thập thông tin về nhu cầu công nghệ vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, đánh giá khả năng đáp ứng công nghệ của các viện nghiên cứu và các trường đại học. Đồng thời, tiếp nhận và trao đổi các ý tưởng sáng tạo, xây dựng đầu bài cho Chương trình KC.02/21-30 nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghệ vật liệu trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Ngô Sỹ Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhấn mạnh, với vai trò là một viện chuyên ngành lớn nhất Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Khoa học Vật liệu đã tích cực tham gia và thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình KC.02 ngay từ những giai đoạn đầu triển khai, điển hình là các đề tài: Nghiên cứu công nghệ chế biến khoáng sản sericit và ứng dụng trong lĩnh vực sơn, polyme và hóa mỹ phẩm; Nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu đồng xốp có cấu trúc mao dẫn, ứng dụng làm ống tản nhiệt cho các thiết bị điện tử công suất lớn; Nghiên cứu công nghệ chế tạo nam châm thiêu kết (Nd, Dy)-Fe-B có lực kháng từ cao, quy mô bán công nghiệp, ứng dụng trong mô tơ và máy phát điện gió.
Theo ông Hoàng Anh Sơn, việc tiếp tục triển khai Chương trình KC.02 giai đoạn tiếp theo không chỉ khẳng định vai trò then chốt của vật liệu trong các ngành công nghiệp hiện đại, mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển bền vững nền công nghiệp quốc gia và tạo nền tảng vững chắc cho khả năng cạnh tranh quốc tế. Ông Hoàng Anh Sơn bày tỏ tin tưởng vào sự thành công của Chương trình, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành công nghiệp vật liệu.
Ông Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu phát biểu tại Hội thảo.
Định hướng nghiên cứu chất lượng cho Chương trình KC.02
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật nhấn mạnh, trong quá trình chuẩn bị đề xuất nhiệm vụ và thuyết minh cho Chương trình KC.02, các nhà khoa học, cá nhân, tổ chức cần nghiên cứu Khung Chương trình KC.02 để hình thành ý tưởng và đề xuất nội dung nhiệm vụ cho phù hợp; nghiên cứu kỹ các hướng dẫn, quy định trong quá trình đề xuất cũng như xây dựng, hoàn thiện Thuyết minh nhiệm vụ; xây dựng dự toán bám sát các quy định, định mức đã ban hành…
Ông Nguyễn Tiến Tài hy vọng, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ nhận được nhiều đề xuất nhiệm vụ có chất lượng cho các Chương trình KH&CN nói chung và Chương trình KC.02/21-30 nói riêng; đồng thời cam kết luôn đồng hành với các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học trong quá trình triển khai Chương trình.
Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật báo cáo tại Hội thảo.
GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm Chương trình KC.02/21-30 cho biết, nội dung Khung Chương trình định hướng tập trung vào 5 nhóm nội dung nghiên cứu trọng tâm gồm: Phát triển công nghệ chế tạo vật liệu thông minh, có tính đặc biệt phục vụ nhu cầu sản xuất của một số ngành, lĩnh vực; Ứng dụng và phát triển công nghệ chế tạo các vật liệu mới sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước có lợi thế của Việt Nam phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giao thông, xây dựng và bảo vệ môi trường; Ứng dụng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển; Thiết kế, chế tạo thiết bị, dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu mới phục vụ các ngành kinh tế và quốc phòng, an ninh; Ứng dụng công nghệ hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu, sản phẩm sử dụng vật liệu mới ở quy mô công nghiệp. 
Theo đó, mục tiêu của Khung Chương trình là tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ tiên tiến chế tạo một số chủng loại vật liệu đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ sản xuất trong nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hình thành và phát triển một số vật liệu ở quy mô công nghiệp có tiềm năng và lợi thế phát triển của Việt Nam nhằm thay thế nhập khẩu, phục vụ các ngành kinh tế và quốc phòng, an ninh. 
GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm Chương trình KC.02/21-30 báo cáo tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về: Nhu cầu và khả năng đáp ứng một số kim loại và hợp kim đặc biệt phục vụ phát triển đường sắt tốc độ cao; Nhu cầu và khả năng đáp ứng về vật liệu thân thiện môi trường có khả năng phân hủy sinh học trên cơ sở polyme blend; Nhu cầu nghiên cứu và ứng dụng một số chủng loại nhựa, cao su phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, Viện Kỹ thuật nhiệt đới; Nhu cầu vật liệu mới cho công nghiệp hóa chất và da giày; Nhu cầu ứng dụng đất hiếm nhằm thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi. 
Các nhà khoa học báo cáo tại Hội thảo.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các giải pháp để xác định nhu cầu, khả năng đáp ứng công nghệ vật liệu và xây dựng các đề xuất nhiệm vụ cho Chương trình KC.02 nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vật liệu, tạo nền tảng cho sự cạnh tranh quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 134

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)