Thứ năm, 05/10/2023 10:40 GMT+7

Thúc đẩy hợp tác, phát triển khoa học mở và lưu chuyển chất xám giữa các quốc gia nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu

Từ ngày 01-03/10/2023, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn KH&CN trong xã hội (STS) lần thứ 20 tại thành phố Kyoto, Nhật Bản. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng KH&CN.
Hội nghị thường niên lần thứ 20 Diễn đàn STS thu hút sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu đại diện khu vực hàn lâm, công nghiệp, hoạch định chính sách và truyền thông đến từ gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. 
Các phiên họp của Hội nghị tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề lớn gồm: trí tuệ nhân tạo, bình đẳng tiếp cận công nghệ số, tính tin cậy của thông tin, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, đa dạng sinh học, khoa học cơ bản, hợp tác (giữa ba khu vực công nghiệp, hàn lâm và chính phủ) khai thác không gian.
 
Đoàn công tác Bộ KH&CN tham dự Diễn đàn STS.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã tham dự Phiên khai mạc Diễn đàn và có bài phát biểu tại Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng KH&CN với sự có mặt của 23 Bộ trưởng KH&CN và tương đương, do Bộ trưởng Nội các Nhật Bản về chính sách KH&CN chủ trì.
Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng KH&CN 2023 chỉ ra rằng, để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hoặc lây lan các bệnh truyền nhiễm, điều cần thiết là thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực về KH&CN. Để đạt được mục tiêu này, cần thúc đẩy khoa học mở và lưu chuyển chất xám giữa các quốc gia. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chụp ảnh cùng Bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị bàn tròn.
Đại diện Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, hiện nay nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu mà nỗ lực của một quốc gia không đủ để giải quyết, cần tập hợp nhiều bên liên quan, cả trong nước và quốc tế để xử lý. Gần đây, Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong thiết lập hệ thống pháp lý về KH&CN, tạo môi trường tốt hơn thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới. Bên cạnh đó, hợp tác và hội nhập quốc tế được coi là giải pháp then chốt nhằm nâng cao tiềm năng, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. 
Đối với 2 nội dung trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Hội nghị gồm “Khoa học mở” và “Lưu chuyển chất xám”, Thứ trưởng cho rằng đây là những vấn đề quan trọng, trong đó kết quả nghiên cứu cần được chia sẻ rộng rãi cho công chúng và cộng đồng khoa học trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện các biện pháp thích hợp để khuyến khích, thúc đẩy lưu chuyển nhân tài quốc tế, hợp tác nghiên cứu quốc tế và các cơ chế mở để chuyển giao kiến thức. Thứ trưởng đánh giá cao việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến một cách hiệu quả cũng như cùng nhau hướng tới sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia thành viên tại Hội nghị.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị bàn tròn.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng đã có cuộc gặp xã giao, trao đổi với Chủ tịch Diễn đàn STS Hiroshi Komiyama và Bộ trưởng Nội các Nhật Bản về Chính sách KH&CN Takaichi Sanae. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn trong tương lai Diễn đàn STS cũng như các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN sẽ là cầu nối quan trọng để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang tặng quà lưu niệm Chủ tịch Diễn đàn STS Hiroshi Komiyama.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Nội các Nhật Bản về Chính sách KH&CN Takaichi Sanae.
Trong khuôn khổ Diễn đàn STS 2023, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia Phạm Đình Nguyên đã tham dự cuộc họp của Lãnh đạo 57 cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học. Các thành viên Đoàn công tác cũng tham dự một số Phiên thảo luận khác nhau tại Diễn đàn.
Nhân dịp tham dự Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng đã có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka và Văn phòng đại diện KH&CN tại Osaka. Thứ trưởng mong muốn Tổng Lãnh sự quán và Văn phòng đại diện KH&CN tại Osaka - thành phố công nghiệp và cảng biển lớn với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công, có thể thúc đẩy hoạt động hợp tác KH&CN Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, tập trung vào một số công nghệ mà Nhật Bản có thế mạnh và phù hợp với ưu tiên của Việt Nam, kết nối doanh nghiệp KH&CN hai nước hợp tác và cùng phát triển.
 
Đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia

Lượt xem: 1326

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)