Thứ năm, 05/10/2023 10:17 GMT+7

Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử làm việc với Giám đốc Chương trình Phòng chống ung thư của IAEA

Trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 67 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), chiều ngày 28/9/2023 (theo giờ địa phương), bà Trần Bích Ngọc, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã có buổi làm việc với bà Lisa Stevens, Giám đốc Chương trình Phòng chống ung thư của IAEA.
Cùng tham dự cuộc họp, về phía Việt Nam có ông Nguyễn An Trung, Quyền Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Về phía IAEA, còn có sự tham dự của ông Igor Veljkovikj, bộ phận Lập kế hoạch và Đánh giá kiểm soát ung thư và bà Petra Salame, chuyên gia Quản lý dự án của Việt Nam.
 
Bà Trần Bích Ngọc, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử trao đổi với bà Lisa Stevens, Giám đốc Chương trình Phòng chống ung thư của IAEA.
Tại buổi làm việc, bà Lisa Stevens đã giới thiệu về Chương trình đánh giá kiểm soát ung thư (imPACT) của IAEA nhằm đánh giá năng lực và nhu cầu kiểm soát ung thư của quốc gia và khuyến nghị các biện pháp để ứng phó hiệu quả với thực trạng này. Chương trình imPACT bao gồm ba giai đoạn: Phân tích tình hình kiểm soát ung thư của quốc gia, khảo sát thực tế và xây dựng báo cáo đánh giá nhằm hỗ trợ chính phủ xác định ưu tiên và tối ưu hóa biện pháp kiểm soát ung thư. Từ năm 2005-2023, IAEA đã tổ chức 113 Đoàn đánh giá chương trình imPACT tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bà đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam từ sau đợt đánh giá năm 2006 và đề nghị Việt Nam phối hợp với IAEA tổ chức đợt đánh giá tiếp nối vào năm 2024.
 
Các đại biểu tham dự Cuộc họp.
Bà Trần Bích Ngọc cảm ơn bà Lisa Stevens về thông tin hữu ích và kế hoạch của IAEA trong thời gian tới. Bà cho biết so với kết quả của Đoàn imPACT năm 2006, từ mạng lưới phòng chống ung thư chỉ có ở 6 cơ sở, đến nay, mạng lưới phòng chống ung thư của Việt Nam đã mở rộng khắp cả nước với 10 Trung tâm ung bướu và 40 bệnh viện có khoa ung thư, với khoảng 85 thiết bị xạ trị gia tốc LINAC và 6 máy gia tốc Cyclotron sản xuất dược chất FDG-18 cho y học hạt nhân. Cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động phòng chống ung thư, trong đó có việc tổ chức Đoàn imPACT tiếp theo trong thời gian tới.  
Đánh giá cao sự hợp tác từ phía Việt Nam, bà Lisa Stevens đề nghị Cục Năng lượng nguyên tử đóng vai trò cầu nối để IAEA phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thực hiện Đoàn imPACT tiếp theo và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia. IAEA cũng mong muốn tổ chức buổi làm việc với đại diện Bộ Y tế của Việt Nam trong khuôn khổ Cuộc họp Ủy ban khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dành cho khu vực Tây Thái Bình Dương tại Manila, Philippines từ ngày 16-20/10/2023. Đây sẽ là cơ hội để thảo luận sâu hơn về nhu cầu hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đánh giá và lập kế hoạch phòng chống bệnh ung thư. 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 675

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)