Thứ ba, 19/11/2024 14:31 GMT+7

COP29 kỳ vọng mở ra kỷ nguyên hành động mới về biến đổi khí hậu

Từ ngày 11-22/11/2024 tại Trung tâm Sân vận động Olympic Baku, Cộng hoà Azerbaijan, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29).
Tham dự Hội nghị COP29, đoàn Việt Nam có đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Phiên khai mạc của Hội nghị.
Hội nghị COP29 thảo luận về các nội dung chính trên cơ sở kết quả đạt được tại Hội nghị COP28 và các cuộc họp trù bị của Ban Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) tổ chức trong năm 2024. Theo đó, Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung chính gồm: Chương trình làm việc UAE về chuyển đổi công bằng (JTWP); Mục tiêu định lượng toàn cầu mới về tài chính khí hậu; Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST); Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn 2025 - 2035; Mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về JTWP, các bên tham gia xây dựng hướng dẫn thực hiện JTWP được thiết lập tại COP28. Các quốc gia phát triển và một số quốc gia đang phát triển cho rằng, phạm vi của JTWP chỉ nên tập trung vào chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi lực lượng lao động. Trong khi hầu hết các nước đang phát triển cho rằng, phạm vi JTWP cần bao trùm cả 3 trụ cột xã hội, kinh tế, môi trường và phải kèm theo nguồn lực thực hiện trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự lựa chọn phù hợp và khả năng đáp ứng của từng quốc gia. 
Về Mục tiêu toàn cầu mới về tài chính khí hậu, đây là một trong những trọng tâm của Hội nghị COP29 nhằm thảo luận mức huy động tài chính khí hậu hằng năm từ các quốc gia phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển. Mức đóng góp mới từ 2025 trở đi sẽ từ mức sàn 100 tỷ USD hiện nay trên cơ sở nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển. 
Về NDC giai đoạn mới, các quốc gia tập trung thảo luận cách thức nâng mục tiêu trong NDC của mỗi quốc gia, cách thức đảm bảo các mục tiêu đó được thực hiện một cách minh bạch và gắn kết NDC với các mục tiêu dài hạn của từng quốc gia. 
Về Mục tiêu toàn cầu về thích ứng biến đổi khí hậu, các quốc gia thảo luận các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí tại các quốc gia.
Toàn cảnh phiên họp cấp cao của Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia; thường xuyên trao đổi thống nhất các nội dung Việt Nam cần nêu ý kiến tại các cuộc họp có liên quan.
Việt Nam đã cập nhật NDC năm 2020, tiếp tục cập nhật 2022 và đã công bố Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho UNFCCC phù hợp với lộ trình đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; đưa trách nhiệm thực hiện NDC vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác để toàn dân thực hiện; Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2779/QĐ-BKHCN ngày 29/10/2024 phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam", mã số KC.16/2024-2030 phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Đặc biệt, Bộ KH&CN sẵn sàng tạo điều kiện, chủ động phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực biến đổi khí hậu nhằm hội nhập quốc tế đa phương và nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.
Các đóng góp cụ thể của Việt Nam tại các phiên họp toàn thể, phiên họp kỹ thuật đã được Ban điều hành và các đại biểu tham gia ghi nhận. Hội nghị COP29 sẽ tiếp tục thảo luận cấp cao thống nhất để đưa ra tuyên bố chung Azerbaijan vào tuần tới.
Đại diện đoàn Việt Nam tham gia phát biểu tại Hội nghị.
COP thường niên là nơi các chính phủ cùng họp bàn và đánh giá những nỗ lực toàn cầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và UNFCCC, với mục tiêu then chốt là giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C.
Hội nghị COP29 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các nước và sinh kế của người dân, đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương, mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động để đạt được mục tiêu đề ra trong thỏa thuận Paris.
 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 1262

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)