Hội đồng có sự tham gia của ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương (Phó Chủ tịch Hội đồng); ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Phó Chủ tịch Hội đồng); ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Phó Chủ tịch Hội đồng); ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Phó Chủ tịch Hội đồng) và đại diện các cơ quan ban ngành, các chuyên gia có liên quan.
Hội đồng đã nghe báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình cung cấp điện và các hoạt động chung của hệ thống điện có liên quan tới an toàn công trình thủy điện Hòa Bình đến tháng 6 năm 2012. Công ty Thủy điện Hòa Bình báo cáo kết quả quan trắc công trình thủy điện Hòa Bình năm 2011, trước lũ năm 2012 và công tác vận hành công trình năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, báo cáo tình hình khí tượng thủy văn trong năm 2012 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như ý kiến của các chuyên gia có chuyên môn về mức độ an toàn của các đập thủy điện tại Việt Nam nói chung và công trình thủy điện Hòa Bình nói riêng.
Theo ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng Ban kỹ thuật sản xuất thuộc EVN, tình hình cung cấp điện trong 6 tháng đầu năm 2012 là tương đối thuận lợi với tổng lượng nước về các hồ thủy điện khoảng 35,741 tỷ m3, cao hơn trung bình nhiều năm là 3,882 tỷ m3. Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm hệ thống điện quốc gia đã cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân cả nước.
Về vận hành công trình thủy điện Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Minh- Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, kể từ mùa khô năm 2011, Công ty đã hoàn thành kế hoạch duy tu bảo dưỡng và đưa đủ 8 tổ máy vào vận hành an toàn, ổn định liên tục. Tất cả các hạng mục công trình, thiết bị đều làm việc ổn định. Đập và các công trình thủy công không xảy ra tình trạng sạt lở, hư hỏng,…
Cũng theo ông Minh, sản lượng điện 6 tháng đầu năm 2012 đạt cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay và lần đầu tiên vượt ngưỡng 4 tỷ KWh (năm cao nhất trước đó là năm 2002 đạt 3,7 tỷ KWh). Bên cạnh đó, kết quả quan trắc công trình cho thấy, trạng thái công trình ổn định, không có hiện tượng bất thường. “Công tác phòng chống lũ bão được chuẩn bị chu đáo. Công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ trong mùa mưa lũ năm 2012”, ông khẳng định.
Tại Phiên họp, trên cơ sở các báo cáo của các cơ quan liên quan, các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận và đưa ra những đánh giá, nhận định về điều kiện an toàn của Công trình và cho rằng Công trình thủy điện Hòa Bình hiện đang ở trạng thái làm việc bình thường, tin cậy và an toàn, đủ điều kiện đón lũ năm 2012.
Phát biểu tại Hội đồng, PGS.TS Huỳnh Bá Kỹ Thuật đánh giá cao việc tiến hành công tác quan trắc cũng như lập hồ sơ đánh giá của Công ty Thủy điện Hòa Bình, đặc biệt trong công tác bảo dưỡng tất cả các thiết bị nhằm đảm bảo cho công tác quan trắc cho các công trình mùa lũ.
Cũng theo GS.TSKH Phạm Văn Tỵ- chuyên gia địa chất công trình, công tác quan trắc đã được thực hiện tốt, sự vận động của hệ thống công trình thủy điện Hòa Bình diễn ra bình thường, ổn định, an toàn, đủ điều kiện đưa vào đón lũ năm 2012…
Tuy nhiên, tại Hội đồng, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, mặc dù đã có những đánh giá ảnh hưởng của hồ chứa Sơn La đến chế độ thủy văn hồ Hòa Bình nhưng còn thiếu phân tích ảnh hưởng của các hồ chứa phía thượng nguồn sông Đà đến chế độ hạ du (cả mùa lũ và mùa kiệt)... Các chuyên gia nhận định, cần tăng cường hoàn thiện hơn nữa thiết bị quan trắc ở trạm Mường Tè, phân tích thật tốt để nắm quy luật về thủy văn, chủ động nghiên cứu sự biến đổi của dòng chảy, cùng với xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để có cơ sở ra quyết định điều hành thực tế. Ngoài ra, cần quan trắc chất lượng nước hồ, sớm nghiên cứu, tiếp cận với phương pháp “vận hành hồ chứa theo thời gian thực” để vừa đảm bảo an toàn phòng lũ, vừa có điều kiện tích đủ nước cho hồ chứa; đồng thời nghiên cứu hiện tượng cạn kiệt của sông Đà trong hai năm liên tiếp…
Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, cho đến thời điểm hiện nay, thủy điện Hòa Bình vẫn đảm bảo được sự an toàn trong việc cung cấp điện và điều tiết nước cho vùng hạ du. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cần tập trung vào hiện tượng lún (theo phương thẳng đứng và lõi sét) cũng như hiện tượng thấm đang có xu hướng gia tăng,… Đặc biệt, trong thời gian tới, khi thủy điện Sơn La đi vào vận hành, nên có ngay một quy trình “vận hành theo thời gian thực” đề xuất vận hành như một hồ chứa nhằm mục đích tiết kiệm nguồn nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng được căn cứ các tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn và các hướng dẫn chi tiết đánh giá an toàn đập hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở Việt Nam …