Thứ hai, 27/06/2016 10:19 GMT+7

Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh Lò bo, Xoan mộc, Dầu cát tại một số vùng sinh thái trọng điểm

Tính đến 31/12/2013, tổng diện tích rừng nước ta có hơn 13,954 triệu hecta, độ che phủ đã tăng lên gần 41%. Trong đó, rừng tự nhiên có gần 10,4 triệu hecta và có 3,554 triệu hecta rừng trồng; tuy nhiên, khả năng cung cấp gỗ của rừng tự nhiên rất hạn...

Cây Lò bo


Cây Dầu cát


Cây Xoan mộc

Lò bo, Xoan mộc và Dầu cát là ba loài cây gỗ lớn bản địa có giá trị gỗ tốt, màu sắc vân thớ đẹp, phù hợp đóng đồ trang trí nội thất, mọc rải rác trong rừng tự nhiên nước ta. Đối với loài Xoan mộc, khả năng phân bố tự nhiên tương đối rộng tại Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc (Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái), gỗ có màu hồng nhạt làm ốp trần nhà và gỗ đóng đồ nội thất. Lò bo phân bố rải rác từ Khánh Hòa trở vào phía nam, tập trung tương đối nhiều ở Đồng Nai, gỗ cứng, thớ xoắn vặn hoa văn đẹp có giá trị đóng đồ mộc như bàn ghế, giường, tủ,… Dầu cát phân bố tại vùng ven biển nam Trung bộ: Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu; đây là loài cây đặc trưng cho vùng cát ven biển, nhựa loài này thường được dùng làm keo trát tàu thuyền, ngoài ra, gỗ còn dùng đóng đồ mộc, coppha trong xây dựng. Nghiên cứu gây trồng Lò bo, Xoan mộc, Dầu cát giúp cung cấp thông tin cơ bản cho các nhà lâm nghiệp định hướng và phát triển chúng trong tương lai là việc làm có ý nghĩa thiết thực và khoa học. Chính vì vậy, ThS Trần Hữu Biển - Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Đông Nam Bộ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ) đã cùng các đồng nghiệp thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh Lò bo (Brownlowia tabularis Pierre), Xoan mộc (Toona surenii (Blume) Merr.), Dầu cát (Dipterocarrpus condorensis Ashton.) tại một số vùng sinh thái trọng điểm”. Đề tài hướng tới nghiên cứu về kỹ thuật tạo giống cây con và kỹ thuật trồng rừng cây gỗ lớn có triển vọng cho 3 loài Lò bo, Xoan mộc, Dầu cát nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Trước khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đặt ra các mục tiêu nghiên cứu, cụ thể như sau:
Mục tiêu chung: Bổ sung cơ cấu cây trồng rừng gỗ lớn có nhiều triển vọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho kinh doanh rừng trồng.
Mục tiêu cụ thể:
- Xác định được một số đặc điểm lâm học của loài.
- Lựa chọn được 1 - 2 xuất xứ của mỗi loài làm cơ sở cho việc xây dựng rừng giống.
- Xây dựng được 40 ha khảo nghiệm và thí nghiệm cho 3 loài.
- Xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và trồng rừng cho 3 loài.

Sau một thời gian tiến hành điều tra phân bố, phân tích, nghiên cứu gây giống và chọn giống, đề tài đã thu được một số kết quả đáng chú ý:
Lò bo:
- Trong 4 xuất xứ khảo nghiệm, xuất xứ Đồng Nai và Bình Phước có triển vọng hơn 2 xuất xứ còn lại, sau 18 tháng tuổi, chiều cao đạt 1,8 m; đường kính gốc 2,8 - 2,9 cm, tỷ lệ sống cao (trên 95%) trên đất feralit nâu vàng, lẫn sỏi.
- Hạt Lò bo có tỷ lệ nảy mầm trên 80% với phương pháp xử lý bằng nước ấm (60°C), thời gian cất trữ ở điều kiện thường được 1 tháng.
- Cây con ở vườn ươm: trước 6 tháng tuổi phù hợp che 25-50% ánh sáng, sau đó, giảm dần và gỡ bỏ hoàn toàn vào 12 tháng tuổi; thành phần bầu theo tỷ lệ đất: vi sinh: xơ dừa (6:1:3) cho cây con sinh trưởng tốt nhất. Sau một năm tuổi, cây giống có chiều cao 70 cm, đường kính gốc 1,2 cm đảo bảo yêu cầu phục vụ trồng rừng.
- Trong 3 loài đề tài nghiên cứu trồng thí nghiệm, loài Lò bo là loài có triển vọng nhất đáp ứng được mục đích trồng trên diện rộng với khả năng sinh trưởng nhanh (tăng trưởng đường kính gốc 1,6 cm/năm, chiều cao trên 1 m/năm), kháng sâu bệnh tốt (chưa phát hiện sâu, bệnh gây hại, kể cả trên diện tích người dân trong vùng đã trồng) và tỷ lệ sống cao (trên 95%) sau 3 - 4 năm trồng.
Xoan mộc:
- Trong 6 xuất xứ khảo nghiệm sau 18 tháng, 3 xuất xứ có triển vọng là Gia Lai, Kon Tum, (Đồng Nai + TP. Hồ Chí Minh), với sinh trưởng nhanh, chiều cao đạt 2,8 m và đường kính gốc từ 6,2 - 6,4 cm, tỷ lệ sống cao (95 - 98%); tuy nhiên, tỷ lệ sâu đục nõn đều trên 60% số cây bị gây hại.
- Hạt Xoan mộc xử lý ngâm nước với thời gian 12 - 24 giờ cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất (72 - 83%) chỉ sau 4 ngày. Hạt có thể cất trữ trong điều kiện thường từ 1,5 - 2 tháng.
- Cây con vườn ươm: trước 6 tháng tuổi cần che 50 - 75%, sau đó nên giảm dần và bỏ che hoàn toàn khi được 12 tháng tuổi, chiều cao cây đạt 1,2 - 1,3 m, đường kính 1,3 - 1,5 cm. Thành phần ruột bầu theo tỷ lệ đất: vi sinh : xơ dừa (7:1:2) hoặc (6:1:3) là phù hợp cho cây sinh trưởng tốt trong giai đoạn vườn ươm.
- Loài Xoan mộc, cũng giống như một số loài thuộc họ Xoan khác (Lát hoa, Xà cừ lá nhỏ) bị ảnh hưởng gây hại bởi sâu đục nõn với tỉ lệ khá cao; trong khi các biện pháp phòng trừ (thuốc sâu) ít có hiệu quả. Chính vì vậy, loài này hạn chế trồng thuần loài quy mô lớn.

Dầu cát:
- Trong giai đoạn 18 tháng tuổi, xuất xứ Dầu cát chưa thực sự có sự khác biệt về sinh trường và tỷ lệ sống, chiều cao trung bình đạt 1 m, đường kính gốc trung bình 2,7 cm, tỷ lệ sống trên 80%.
- Hạt Dầu cát sau khi thu hái về, loại bỏ tạp chất, cánh; tiến hành ngâm nước 12 - 24 giờ sau đó ủ, rửa chua 2 lần/ ngày cho tỷ lệ nảy mầm trên 60%. Không nên bảo quản, nếu bảo quản 5°C thì được gần 1 tháng.
- Cây con tại vườn ươm dưới 6 tháng tuổi cần che 50% ánh sáng tự nhiên, sau đó nên giảm còn 25% sẽ phù hợp cho sinh trưởng. Thành phần ruột bầu tỷ lệ đất : vi sinh : xơ dừa là (7:1:2) hoặc (6:1:3) cho sinh trưởng tốt nhất; sau 12 tháng tuổi, chiều cao đạt 55 - 70 cm, đường kính từ 1,0 - 1,2 cm.
- Dầu cát là loài trồng rừng có triển vọng tại vùng đất cát ven biển, loài này có khả năng chịu được điều kiện thời tiết và khí hậu tương đối khô hạn. Tuy nhiên, khâu tuyển lựa cây giống đảm bảo chất lượng trước khi đem đi trồng rừng là vấn đề then chốt. Chọn cây đi trồng: cây đơn thân, không phân cành, ngọn phát triển rõ ràng, tán cây cân đối.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 11392/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 3715

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)